Phiên sáng nay (27/11) trên thị trường châu Á, giá dầu WTI đứng ở mức 58,91 USD/thùng, giảm 4 cent so với đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần trước. Giá dầu Brent thì gần như không đổi, ở mức 63,84 USD/thùng.
Việc đóng cửa đường ống dẫn Keystone với công suất 590.000 thùng/ngày sau sau sự cố tràn dầu đã đẩy giá dầu WTI lên cao do hàng tồn kho giảm.
William O'Loughlin, nhà phân tích của Rivkin Securities nhận xét, dầu WTI đang giao dịch gần mức 59 USD/thùng sau khi tăng 38% kể từ giữa tháng 6. Việc bứt tốc mạnh đang khiến dầu trở thành một trong những tài sản có giá trị nhất thời gian qua.
Diễn biến giá dầu WTI trong vòng 1 năm qua (nguồn: oilprice)
Nguồn cung dầu cũng đang được thắt chặt trên toàn cầu do Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và một nhóm các nhà sản xuất khác, trong đó có Nga, đã cắt giảm 1,8 triệu thùng/ ngày kể từ tháng 1.
Thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC sẽ hết hạn vào tháng 3 năm 2018, nhưng nhóm này sẽ có cuộc họp vào cuối tháng 11 này để thảo luận về chính sách tiếp theo.
O'Loughlin lưu ý rằng, các nhà sản xuất dầu mỏ đang hy vọng tiếp tục chính sách cắt giảm sản lượng tại cuộc họp của OPEC vào ngày 30/11 tới.
Song một số ý kiến nhận xét, tình trạng không chắc chắn trong cam kết của Nga đối với việc tiếp tục cắt giảm cũng như sản lượng ngày càng tăng tại Mỹ sẽ cản đà tăng của giá dầu.
Tại Mỹ, sản lượng dầu đã tăng 15% kể từ giữa năm 2016 lên 9,66 triệu thùng/ngày. Các công ty năng lượng của nước này tuần trước đã bổ sung giàn khoan dầu, với số lượng giàn khoan hàng tháng tăng lần đầu tiên kể từ tháng 7 lên đến 747 giàn hoạt động do các nhà sản xuất bị hấp dẫn bởi giá dầu leo thang.