Giá khí đốt giao tháng 11 trên sàn TTF của Hà Lan ngày 2/10 ở mức 97,7 euro/mwh (tương đương 113,3 USD/mwh), tăng khoảng 400% từ đầu năm đến nay. Đây là mức cao kỷ lục từ trước tới nay.
Nhu cầu khí đốt tăng cao vì nguồn dự trữ thấp và châu Âu đang phải cạnh tranh với Trung Quốc trong cuộc tìm mua khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) dù giá mặt hàng này đang rất cao.
Nguồn khí đốt qua đường ống Yamal (Nga) - châu Âu qua Ba Lan trong ngày 2/10 ở mức 5.313 mwh so với 22.705 mwh trong ngày 1/10. Sự sụt giảm trên khiến Goldman Sachs hạ mức dự báo dự trữ khí đốt ở vùng Tây Bắc châu Âu chỉ còn 12 tỷ mét khối vào cuối tháng 3/2022, tương đương 23% so với mức 32% mà Goldman Sachs tính toán trước đó.
Nga là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho EU, do đó lượng khí đốt từ Nga sang châu Âu thấp sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung và giá khí đốt tại châu lục này.
Giá khí đốt ở châu Âu tăng cao khiến các nhà máy phát điện chuyển sang dùng than đá thay thế, dẫn tới lượng phát thải carbon dioxit tăng cao. Trong khi đó châu Âu lại áp dụng thuế đối với phát thải carbon dioxit để bảo vệ môi trường. Chi phí cho thuế carbon dioxit tăng cao do sử dụng than nhiều khiến giá điện thành phẩm tăng, tạo thành vòng luẩn quẩn trong cuộc khủng hoảng năng lượng.
Khí đốt tăng cao đang khiến cuộc sống của người dân châu Âu, đặc biệt là Anh, đảo lộn. Những dãy xe dài chờ trước các cửa hàng xăng ở Anh là hình ảnh quen thuộc trong những ngày gần đây. Người dân Anh cũng đang phải gồng mình trước hóa đơn điện tăng và giá thịt heo, thịt gà tăng cao. Nhiều doanh nghiệp ở Anh phải ngừng hoạt động hoặc đứng trước nguy cơ vỡ nợ trong cơn khủng hoảng năng lượng này.