Nửa đầu năm 2021 ghi nhận những biến động đầy tích cực của TTCK Việt Nam khi chỉ số VN-Index liên tiếp lập đỉnh mới và thậm chí nằm trong top những chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất thế giới. Không chỉ tăng mạnh về điểm số, thanh khoản thị trường cũng bùng nổ khi những phiên giao dịch "tỷ đô" xuất hiện ngày càng nhiều và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Sự nhập cuộc của lớp nhà đầu tư mới, hay còn gọi là nhà đầu tư "F0" đã giúp thị trường thăng hoa trong thời gian qua. Số liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) cho biết trong 5 tháng đầu năm có gần nửa triệu tài khoản chứng khoán được mở mới, nhiều hơn 20% tổng lượng tài khoản mở mới trong cả năm 2020 dù năm 2020 đã là năm kỷ lục về số lượng tài khoản chứng khoán được mở.
Với khoảng 3,2 triệu tài khoản chứng khoán đang hiện diện, còn khá nhỏ so với quy mô 100 triệu dân số, chúng ta có thể kỳ vọng số nhà đầu tư cũng như thanh khoản thị trường sẽ còn bùng nổ mạnh trong thời gian tới.
Trong bối cảnh sôi động của thị trường, các Công ty chứng khoán (CTCK) là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp nhất nhờ gia tăng thu phí giao dịch, cho vay margin hay tăng trưởng mạnh từ hoạt động tự doanh.
Trên thực tế, KQKD quý 1 cho thấy hầu hết các CTCK đều có lợi nhuận tăng trưởng vượt trội so với cùng kỳ năm trước. Với KQKD khả quan, cổ phiếu các CTCK niêm yết đều bứt phá mạnh từ đầu năm tới nay và không ít cổ phiếu tăng "bằng lần". Những phiên giao dịch gần đây, nhiều cổ phiếu CTCK thậm chí liên tiếp tăng trần và là nhóm thu hút dòng tiền mạnh hàng đầu thị trường.
Tính theo dữ liệu chốt phiên giao dịch 3/6, nhiều cổ phiếu CTCK top đầu đã có P/B trên 2, có thể kể tới như SHS (P/B 2,3), HCM (P/B 2,7), SSI, MBS, VCI (P/B 2,8), VND (P/B 3). Các cổ phiếu CTCK top sau như FTS, BSI, VDS, CTS…có mức định giá P/B chủ yếu dao động từ 1,5 – 2. Trong khi đó, chứng khoán SBS thậm chí có P/B lên tới 8,3 lần.
Những phiên gần đây, nhiều cổ phiếu chứng khoán cỡ vừa và nhỏ với P/B thấp như CTS, BSI, FTS, EVS, SBS…bứt phá khá mạnh cho thấy giới đầu tư đang tìm kiếm cơ hội tại các cổ phiếu chưa tăng giá nhiều. Hoạt động đầu cơ này có phần rủi ro khi không ít nhà đầu tư mua cổ phiếu mà không quan tâm tới hoạt động kinh doanh lõi.
Số liệu từ SSI Research cho biết P/B bình quân các CTCK tại Thái Lan hiện vào khoảng 1,5 lần, với trung Quốc là 1,22 lần, Indonesia là 1,92 lần, Bangladesh là 1,68 lần, thậm chí P/B các CTCK Malaysia chỉ là 0,27 lần. Có thể thấy mức định giá P/B của các CTCK tại Việt Nam hiện cũng không còn "rẻ".
Trong bối cảnh thị trường giao dịch sôi động như hiện nay và còn nhiều dư địa thu hút nhà đầu tư trong dài hạn, chắc chắn nhóm CTCK sẽ là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp nhất. Dù vậy, trong ngắn hạn, nhà đầu tư, đặc biệt các nhà đầu tư mới cũng nên thận trọng với đà tăng của các cổ phiếu này khi đã bứt phá tương đối "nóng". Nhóm ngành CTCK cũng có đặc tính Beta (độ nhạy thị trường) lớn và rất nhạy cảm với những biến động bất ngờ, có thể tăng rất mạnh khi thị trường "thăng hoa" nhưng cũng có thể mau chóng đảo chiều trước những diễn biến bất lợi của thị trường.