TS.Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chia sẻ về hồi phục nền kinh tế .
- Nền kinh tế đang bị tổn thất nặng nề vì đại dịch COVID-19, GDP quý III âm 6,17%. Vậy theo ông, GDP cả năm 2021 có thể đạt mức nào?
Năm 2021 có thể chỉ đạt mức tăng trưởng khoảng 3%, chưa bằng nửa mục tiêu kế hoạch năm đặt ra. Như vậy, đây là năm thứ hai liên tiếp không đạt được mục tiêu đề ra, nhất là về tăng trưởng, việc làm và các nhiệm vụ cải cách phát triển.
Ở các nước phát triển, tốc độ tăng trưởng của GDP có thể giảm, thậm chí âm nhưng thu nhập/người dân không giảm, và thu nhập khả dụng tăng, vì họ không thể chi tiêu trong đại dịch. Khi dịch kết thúc hay thuyên giảm thì cầu bùng nổ, và đây là yếu tố cơ bản thúc đẩy phục hồi nhanh và cao.
Việt Nam hoàn toàn khác vì đang yếu cả bên cung và bên cầu, không thể phục hồi nhanh và cao được khi mà nhiều triệu lao động mất việc làm, mất thu nhập và đã tiêu đi phần lớn, thậm chí tiêu hết tiền tiết kiệm và một số ngành dịch vụ đã tê liệt hai năm liên tiếp.
Đại dịch không những làm mất mát về vật chất mà cả tinh thần, năng lực sản xuất, cung ứng dịch vụ… Cơ cấu kinh tế, lao động, phân bố nguồn lực đang bị đảo lộn. Năng lực và nguồn lực đã bị xói mòn nghiêm trọng. Các động lực tăng trưởng chủ yếu (trừ xuất khẩu) đã yếu đi một cách đáng kể. Ba vùng động lực vốn đã mất động lưc, nay lại thiệt hại nghiêm trọng.
- Điều này chứng tỏ rằng phía trước vẫn là bức tranh còn nhiều gam màu tối, thưa ông?
Khó khăn, tổn hại còn kéo dài nhưng thời gian tới vẫn có nhiều điểm sáng, đó là dịch bệnh đang dần được kiểm soát. Sản xuất, kinh doanh và dịch vụ đang dần mở cửa lại. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được giữ vững.
Khi được mở cửa trở lại, sản xuất, kinh doanh, đầu tư và tiêu dùng mấy tháng nay bị kìm nén sẽ bật tăng trở lại, theo đó tăng trưởng kinh tế sẽ phục hồi. Nhiều dự báo tin rằng trong quý IV kinh tế sẽ hồi phục.
Cần giải pháp chống dịch mới, kiểm soát dịch hiệu quả nhưng cũng tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế được quay trở lại.
- Mọi kế hoạch, giải pháp đều phải trông vào dư địa chính sách. Vậy theo ông, khoảng dư địa này sẽ như thế nào?
So sánh với 1999-2011, dư địa chính sách bây giờ tốt hơn và còn rất nhiều. Lạm phát thấp và ổn định. Hệ thống tài chính, tuy còn rủi ro nhưng vững. Bội chi ngân sách, và nợ công vẫn trong ngưỡng cho phép. Cán cân đối ngoại tốt hơn, dự trữ ngoại tệ trên 100 tỷ USD… Tôi cho rằng, chúng ta có thể nới trần nợ công, tăng bội chi để thực hiện các giải pháp phục hồi kinh tế.
- Chương trình phục hồi và đẩy nhanh phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham vấn ý kiến các chuyên gia. Khi được tham vấn, ông đã muốn nhấn mạnh điều gì?
Dịch bệnh gây tổn hại nặng nề như chúng ta vừa nói đến, vì vậy nếu không có thay đổi đột biến, đột phá thực sự bằng chương trình phục hồi và tăng tốc phát triển, thì kết quả đạt được ở nhiệm kỳ này sẽ xấu hơn nhiều so với nhiệm kỳ 2016-2020, tăng trưởng sẽ thấp xa mục tiêu đặt ra. Tôi muốn báo động rằng, nếu không có được sự phục hồi và tăng tốc phát triển kinh tế, chúng ta sẽ không có một viễn cảnh tươi sáng như mong đợi.
- Trong dự thảo Chương trình có 8 nhóm giải pháp phục hồi kinh tế. Theo cá nhân ông thì trong nhóm giải pháp này cần phải lưu ý điểm gì?
Có mấy điểm đáng lưu ý. Đó là tiếp tục tổ chức sản xuất, cuộc sống xã hội và quản lý nhà nước an toàn, thích ứng linh hoạt với dịch bệnh. Sinh kế và sinh mạng là hai mặt của một vấn đề, bổ sung, củng cố cho nhau, không tách rời nhau.
Đồng thời nhanh chóng phục hồi lại, củng cố vững chắc các động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Và phải sử dụng nguồn lực đúng mục đích, đúng đối tượng, và hiệu quả. Giải pháp cần cụ thể, khả thi, có thể thực hiện được ngay và nhanh trong thời hạn đã định.
Kế hoạch phục hồi cần đưa ra mục tiêu cụ thể hơn. Trong đó một số chỉ tiêu phải cao hơn mục tiêu đã đặt ra trong kế hoạch 5 năm2021-2025. Như vậy mới đạt được mục tiêu của cả nhiệm kỳ.
Dự thảo đưa ra quá nhiều giải pháp (78 giải pháp chia thành 8 nhóm), nhưng lại chưa cụ thể và khả thi, chưa tập trung vào một chương trình có thời hạn 2-3 năm.
Quan điểm của tôi là giải pháp viết ra trong chương trình phục hồi này không trùng lặp với các chính sách, kế hoạch, chương trình đã có mà cần mạnh hơn, cao hơn giải pháp đã có và tập trung vào 4 nhóm sau đây.
Một là, tăng cường năng lực, nâng cao hiệu quả kiểm soát an toàn dịch bệnh để mở lại nền kinh tế. Hai là, hỗ trợ doanh nghiệp, Hợp tác xã và hộ kinh doanh vượt qua đại dịch. Ba là, kích cầu đầu tư và tiêu dùng. Bốn là, hỗ trợ an sinh xã hội và đào tạo lại lao động.
- Chính phủ đã nhấn mạnh thông điệp chuyển hướng từ “Zero COVID” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát an toàn dịch bệnh”. Nhưng người dân và doanh nghiệp vẫn còn lo ngại các biện pháp chống dịch sẽ làm hạn chế các hoạt động của đời sống và sản xuất kinh doanh, thưa ông?
Không đặt thêm quy định xin-cho, không tạo thêm thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp.
Chúng ta cần giải pháp chống dịch mới, kiểm soát dịch hiệu quả nhưng cũng tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế được quay trở lại. Trong đó cần tăng cường năng lực, nâng cao hiệu quả kiểm soát an toàn dịch bệnh để mở lại nền kinh tế với một số giải pháp cụ thể. Tiêm vaccine nhanh nhất có thể. Tăng cường năng lực hệ thống y tế trong phòng chống dịch, nhất là hệ thống y tế cấp cơ sở.
Đồng thời ban hành quy định mới về các tiêu chí, tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh để áp dụng đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh, các hoạt động đời sống xã hội và quản lý nhà nước.
Các quy định, tiêu chí, tiêu chuẩn phải cụ thể, dễ tuân thủ, áp dụng thống nhất và được giám sát bởi công nghệ và các công cụ thích hợp. Nguyên tắc xuyên suốt ở đây là không đặt thêm quy định xin-cho, không tạo thêm thủ tục hành chính.
- Trong Chương trình phục hồi và đẩy nhanh phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 có nói đến phát triển ngành du lịch, kích cầu tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, điều chúng ta cần lúc này là cụ thể như thế nào, thưa ông?
Chúng ta cần tính tới việc mở cửa thị trường du lịch nội địa và thí điểm mở cửa thị trường du lịch quốc tế, tiến tới mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế trong điều kiện bình thường mới.
Về giải pháp, nên giảm thuế GTGT từ mức 10% về 5% đối với ngành kinh doanh vận tải ô tô, hàng không, du lịch. Giảm 50% lệ phí trước bạ đăng ký ô tô để kinh doanh vận tải trong năm 2022. Và hoãn nộp thuế GTGT trong năm 2022 đối với dịch vụ du lịch, nhà hàng ăn uống, lưu trú và các loại dịch vụ vui chơi, giải trí...
- Còn về chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân, theo ông nên như thế nào?
Theo tôi, cần miễn giảm các loại phí như phí cảng biển, tiền thuê đất, phí đăng kiểm, phí bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội, phí công đoàn, ký quỹ du lịch… Nên miễn các khoản thuế đang cho hoãn nộp. Nên cho doanh nghiệp chuyển lỗ về trước bằng cách hạch toán lỗ kinh doanh ròng phát sinh trong năm tài chính 2020, 2021 vào thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp được báo cáo trong năm 2018, 2019 đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp trong ngành du lịch.
Hỗ trợ chi phí tuân thủ phòng chống dịch. Có chương trình tín dụng đặc biệt hỗ trợ ngành vận tải hành khách hàng không và du lịch.
- Trân trọng cảm ơn ông!