Việt Nam nhiều năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN với Trung Quốc và là đối tác thương mại thứ 6 của đất nước tỷ dân. Có nhiều yếu tố khiến cho mối quan hệ kinh tế ngày càng phát triển, đó không chỉ là láng giềng, mà quan trọng là môi trường đầu tư tại 2 nước đang có nhiều thuận lợi.
Chuyến thăm chính thức Trung Quốc lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục củng cố, mở rộng và nâng cao hiệu quả quan hệ giữa 2 Đảng làm định hướng cho quan hệ hai nước trong nhiều lĩnh vực, trong đó có hợp tác kinh tế, thương mại.
Các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam từ hoa quả đến thực phẩm chế biến đang tạo ra chỗ đứng trên thị trường Trung Quốc. Mặt hàng sầu riêng là loại quả thứ 10 được cấp phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. Hiện Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng mạnh nhất, khoảng 4,2 tỷ USD/năm, tăng trưởng hàng năm 2 con số.
Còn với doanh nghiệp này, việc tham dự Hội chợ Trung Quốc - ASEAN sau nhiều năm đã giúp cà phê Việt đi sâu vào thị trường Trung Quốc. Dự báo, trong thời gian ngắn, Trung Quốc sẽ là thị trường xuất khẩu hàng đầu cà phê Việt Nam của nhiều doanh nghiệp Việt.
"Ở thị trường Trung Quốc, cà phê của chúng tôi trước đây bán rất là tốt. Giờ chúng tôi nỗ lực quảng bá để đẩy mạnh kênh tiêu thụ thương mại điện tử để bán đi xa hơn ở thị trường rộng lớn và đầy tiềm năng này", bà Tôn Hiểu Quyên, Đại diện Công ty Café Sài Gòn tại Trung Quốc, chia sẻ.
"Mặc dù kinh tế toàn cầu và khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 và những biến động địa - chính trị trên thế giới song quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn không ngừng phát triển, đạt nhiều thành quả đáng ghi nhận và là một trong những điểm sáng trong quan hệ song phương. Trung Quốc đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam với quy mô đạt 55,9 tỷ USD", Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Trong quan hệ thương mại, tính bổ sung lẫn nhau trong cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước vẫn rất lớn. Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc các sản phẩm nông sản nhiệt đới, thủy sản, dệt may, điện thoại, máy tính, sản phẩm điện tử, đồng thời nhập khẩu từ Trung Quốc các mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất, nông sản ôn đới...
Năm 2021, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 165,9 tỷ USD, tăng 24,6% so với năm 2020. Từ năm 2016, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và thứ 6 của Trung Quốc trên thế giới vào năm 2020.
Ngoài ra, ở lĩnh vực đầu tư, Việt Nam cũng là một thị trường hấp dẫn. Hiện Trung Quốc xếp thứ 6/139 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đến nay đạt 22,5 tỷ USD.
"Doanh nghiệp phản ánh là môi trường đầu tư của Việt Nam được cải thiện rất đáng kể. Đó là thủ tục giải quyết nhanh gọn, pháp luật đầu tư ngày càng hoàn thiện, cơ sở hạ tầng ngày càng tốt, uy tín trên trường quốc tế ngày càng cao. Rất nhiều doanh nghiệp Trung Quốc hào hứng tìm hiểu để đầu tư", Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Trung Quốc - ASEAN Từ Ninh Ninh thông tin.
"Trung Quốc xem ASEAN là trọng điểm. Việt Nam là nền kinh tế năng động, mạnh hàng đầu ASEAN. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam luôn nằm trong top đầu. Do đó, Trung Quốc và Việt Nam càng có nhiều cơ hội để tăng cường hợp tác với nhau", Giáo sư Lưu Thụy, Đại học Nhân dân Trung Quốc, nhận định.
Bên cạnh đầu tư xây dựng nhiều trung tâm logistics, mở rộng, nâng cấp các cửa khẩu, Trung Quốc cũng đã mở nhiều tuyến đường sắt từ nhiều tỉnh, thành đi Việt Nam để tăng cường trao đổi hàng hóa, giảm chi phí vận chuyển giữa hai nước. Đây là một trong nhiều nền tảng để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác thương mại, mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp hai nước.