Hai phiên giao dịch đầu tiên của tháng 7, vốn hóa thị trường bất ngờ bị "thổi bay" hơn 28 tỷ USD. Những phiên giảm sốc của VN-Index từ khi HoSE được thông sàn đã khiến chỉ số này lần lượt rơi thủng các đáy hỗ trợ. Thanh khoản yếu ớt cùng với áp lực bán tháo chốt lời đã khiến hàng loạt trụ đỡ chìm trong sắc đỏ, thậm chí các cổ phiếu nhóm tăng nóng thời gian trước là "bank, chứng, thép" có phiên đồng loạt nằm sàn.
Thống kê cho thấy, hàng trăm mã cổ phiếu đánh rơi giá trị trong những phiên giao dịch đầy biến động này, trong đó các cổ phiếu vốn hóa lớn cũng đã bốc hơi hàng nghìn tỷ đồng trong những phiên thị trường "rơi tự do" về điểm.
Tuy vậy, giữa bối cảnh tiêu cực chung, vẫn tồn tại những mã cổ phiếu lội ngược dòng, giữ nguyên mạch tăng điểm. Cổ phiếu MML của CTCP Masan MEATLife là một trong số đó.
Cụ thể, từ 7/7 tới nay, thị giá MML duy trì đà tăng, đóng cửa tại mức giá xanh trong 10 phiên giao dịch liên tiếp, đưa cổ phiếu lên giao dịch tại vùng đỉnh giá lịch sử. Đan xen một số nhịp điều chỉnh giảm, MML dần đi từ vùng giá 40.000 đồng/cổ phiếu trong tháng 7/2020 lên mức 60.000 đồng/cổ phiếu vào đầu tháng 7/2021, tương ứng mức tăng khoảng 50% trong gần 1 năm.
Bất ngờ hơn nữa, chỉ trong 10 phiên giao dịch tính từ phiên 7/7, đà tăng vọt bất ngờ của MML giúp thị giá cổ phiếu tiếp tục tăng thêm 30%, kết phiên 20/7 tại mức giá 79.500 đồng/cổ phiếu.
Diễn biến cổ phiếu MML 1 năm gần đây
Hiện Masan Meatlife có hơn 326,7 triệu cổ phiếu MML đang lưu hành. Việc đi lên vùng giá lịch sử đã giúp vốn hóa thị trường của MML đạt hơn 25,97 tỷ đồng, tương ứng hơn 1,1 tỷ USD, chính thức ghi danh vào top các cổ phiếu tỷ đô của chứng khoán Việt.
Giữa lúc thị giá tăng mạnh, Masan Meatlife tiếp tục công bố thông tin phát hành tối đa 280.000 cổ phiếu ESOP, tương ứng tỷ lệ 0,09% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành. Đáng chú ý, giá phát hành chỉ 10.000 đồng, chỉ bằng 1/8 thị giá hiện tại.
Được biết, Masan Meatlife - công ty con của Tập đoàn Masan (Masan Group) - là một trong những công ty kinh doanh thức ăn chăn nuôi - trang trại - thực phẩm tích hợp lớn nhất Việt Nam. Trước đó, trong năm 2015, Tập đoàn Masan đã hợp nhất hai doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi của mình là Anco và Proconco thành Masan Meatlife, ba năm sau đó bắt đầu bán thịt tươi đông lạnh MeatDeli - thương hiệu thịt mát hiện rất phổ biến khi có mặt tại hơn 1.600 điểm bán trên cả nước. Trong quý 1/2021, lợi nhuận sau thuế của Masan Meatlife đã vọt tăng hơn 10 lần lên hơn 146 tỷ đồng.
Thông tin liên quan, Bloomberg gần đây dẫn nguồn tin thân cận cho biết, Tập đoàn Masan đang tìm các phương án huy động vốn cho mảng thức ăn chăn nuôi, kỳ vọng thương vụ có thể đem về giá trị lên đến 1 tỷ USD - lớn nhất kể từ 2017.
Ngoài ra, Masan cũng đang cân nhắc về việc có thể phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) đối với mảng thức ăn chăn nuôi của mình. Ban lãnh đạo công ty cho rằng Masan MeatLife đang bị thị trường đánh giá dưới giá trị thực.
Cùng trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi cho gia súc, song cổ phiếu DBC của Dabaco Việt Nam lại không có diễn biến tích cực trên thị trường. Cụ thể, thị giá DBC vẫn đang trong đà lao dốc kể từ vùng đỉnh lịch sử 63.600 đồng/cổ phiếu (29/6) vừa qua. Chỉ hơn nửa tháng, thị giá DBC đã đánh mất gần 19% giá trị, đóng cửa ngày giao dịch 20/7 tại mức 51.800 đồng/cổ phiếu, vốn hóa "bốc hơi" gần 1.360 tỷ đồng.
Diễn biến cổ phiếu DBC 1 năm gần đây
Mới đây, Dabaco cũng vừa công bố BCTC quý 2/2021 với mức lợi nhuận sụt giảm phân nửa so với cùng kỳ, đạt xấp xỉ 215 tỷ đồng. Phía công ty cho biết, quý 2 vừa qua dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại nhiều tỉnh, thành phố dẫn đến hoạt động sản xuất, giao thương, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó sản lượng và giá các sản phẩm gia súc, gia cầm giảm dẫn tới kết quả kinh doanh của công ty giảm.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, nhờ tiết giảm chi phí tài chính nên lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm của Dabaco đạt 580 tỷ đồng, giảm 22,7% so với cùng kỳ năm 2020 và hoàn thành khoảng 70% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm. EPS đạt 5.032 đồng.