Báo cáo tại hội nghị giao ban trực tuyến về tình hình thực hiện công tác thuế tháng 5 và dự kiến chương trình công tác thuế tháng 6/2021 của Tổng cục Thuế cho biết, trong tháng 5/2021 (tính đến ngày 31/5), việc thực hiện thu ngân sách nhà (NSNN) do cơ quan Thuế quản lý ước đạt 86.317 tỷ đồng, bằng 7,7% so với dự toán pháp lệnh, bằng 142% so với cùng kỳ năm 2020, cao hơn 13.317 tỷ so với số ước thu tháng 5/2021 là 73.000 tỷ đồng. Theo đó, luỹ kế 5 tháng đạt 575.677 tỷ đồng, bằng 51,6% so với dự toán pháp lệnh, bằng 114,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Nếu loại trừ các yếu tố gia hạn thuế, những khoản tăng thu bất thường, đột biến trong 5 tháng đầu năm 2021 thì tổng thu cơ quan thuế quản lý tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, số thu thuế, phí nội địa tăng 8,3% so với cùng kỳ.
Theo Tổng cục Thuế, số thu NSNN trong 5 tháng đầu năm tăng thu khá chủ yếu do một số nguồn thu được hưởng lợi từ các chính sách tài khoá, tiền tệ trong năm 2020 và một số ngành tăng trưởng nóng như: ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, sản xuất lắp ráp ô tô...
Tăng trưởng tín dụng và huy động vốn năm 2020 đạt khá đã góp phần tăng lợi nhuận của khối ngân hàng thương mại dẫn đến số thuế thu nhập doanh nghiệp quý IV và nộp sau quyết toán của các ngân hàng tăng khoảng 4.500 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Nhiều dự án bất động sản được chuyển nhượng, làm tăng thu đột biến thuế thu nhập doanh nghiệp từ chuyển nhượng bất động sản khoảng 6.000 tỷ đồng tại một số địa phương.
Bên cạnh đó, trong những tháng đầu năm 2021, sau đợt ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 năm 2020, hoạt động sáp nhập, hợp nhất, đánh giá lại tài sản khi góp vốn, chuyển nhượng vốn tăng làm tăng thu đột biến thuế thu nhập doanh nghiệp khoảng từ 5.000-6.000 tỷ đồng.
Đồng thời, thực hiện chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31/12/2020, dẫn đến lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tiêu thụ mạnh. Riêng trong tháng 12/2020, số lượng ô tô tiêu thụ tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ làm tăng thu đột biến khoảng 4.000 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Thị trường chứng khoán và bất động sản tăng trưởng nóng trong những tháng đầu năm cũng góp phần tăng thu từ lệ phí trước bạ nhà đất, thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán và chuyển nhượng bất động sản.
Về tình hình thực hiện nhiệm vụ thu NSNN tháng 6 và 6 tháng năm 2021, báo cáo cho biết, đối với số ước thu tháng 6 khoảng 57.500 tỷ đồng, bằng 5,1% dự toán pháp lệnh và bằng 80% so với cùng kỳ năm 2020; Trong đó, thu từ dầu thô dự báo khoảng 3.500 tỷ đồng; thu nội địa dự báo khoảng 54.000 tỷ đồng, bằng 4,9% dự toán pháp lệnh, bằng 77% so với cùng kỳ. Trong đó, dự kiến tháng 6 sẽ gia hạn thuế giá trị gia tăng khoảng 6.500 tỷ đồng.
Với số thu luỹ kế đến hết 31/5, dự báo thu 6 tháng đạt khoảng 633.177 tỷ đồng, bằng 56,7% dự toán, bằng 110,2% so với cùng kỳ. Trong đó, thu từ dầu thô dự báo đạt 18.703 tỷ đồng bằng 80,6% dự toán, bằng 87,6% cùng kỳ.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn nhận định, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 đang có những diễn biến hết sức phức tạp trên phạm vi cả nước. Theo dự báo của Bộ Y tế, đợt dịch này có khả năng kéo dài hơn, diện rộng, có nhiều ổ dịch, biến thể mới của virus lây nhanh hơn. Đến thời điểm hiện nay, Chính phủ đã khẳng định việc thực hiện mục tiêu kép không thay đổi. Các khu vực nhà máy, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nếu không đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch phải kiên quyết dừng hoạt động cho đến khi khắc phục xong.
Trước tình hình đó, Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn yêu cầu các Vụ/đơn vị tiếp tục bám sát tình hình; phân tích, đánh giá kỹ, đúng bản chất số thu ngân sách 5 tháng đầu năm; các khoản thu, sắc thuế thu đột biến; tác động của việc thực hiện Nghị định số 52/2021 của Chính phủ đến số thu NSNN các tháng. Để kịp thời có các giải pháp điều hành thu NSNN hiệu quả, hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách được giao.
Đồng thời, tiếp tục tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Nghị định số 52/2021/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021, từ đó tiếp tục đề xuất các giải pháp nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong công tác kê khai để thực hiện đúng chủ trương gia hạn của Chính phủ.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác đôn đốc thu NSNN đối với một số khoản thu ngân sách trung ương (dầu thô, khí thiên nhiên, lợi nhuận còn lại và cổ tức được chia, thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thu tiền sử dụng đất, phí & lệ phí thuộc ngân sách trung ương) đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ Bộ Tài chính giao.