SRA tăng mạnh gấp 6 lần trong hơn 1 tháng
Từ đáy ngắn hạn 9.300 đồng, cổ phiếu SRA của Công ty Cổ phần Sara Việt Nam đã tăng một mạch gần 6 lần, lên ngưỡng ~53.000 đồng trong hơn một tháng. Khỏi phải nói thêm nhiều, hẳn, những nhà đầu tư không ở trên "con tàu" SRA đang hết sức nuối tiếc vì đã không phải là một trong những người may mắn có được khoản lợi nhuận kếch xù do cổ phiếu này mang lại.
Biến động giá cổ phiếu SRA 6 tháng qua
Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng không nên quá tự trách mình. Cổ phiếu SRA đã bị quên lãng nhiều năm ròng với giao dịch vài ba nghìn cổ phiếu mỗi phiên thì tất nhiên, nhà đầu tư không chú ý là lẽ thường tình.
Đến phiên tăng mạnh đầu tiên, tín hiệu tăng giá cổ phiếu cũng không đi kèm với khối lượng đã khiến những "thợ săn" cổ phiếu bỏ qua cơ hội này. Phiên thứ 2, thứ 3 tăng mạnh cũng vậy. Từ mức giá 9.300 đồng, SRA tăng vọt 25% không kèm theo tín hiệu về khối lượng.
Một khi một cổ phiếu đã tăng đến 25% thì việc đua vào lệnh giá trần sau đó là điều hiếm hoi nhà đầu tư thực hiện trừ khi biết rõ mình đang mua đuổi vì lý do gì.
Cứ thế, cổ phiếu SRA tăng một mạch lên 14.500 đồng tương đương mức tăng hơn 55% chỉ trong vài phiên giao dịch và đa phần nhà đầu tư chỉ còn có thể tiếc nuối lắc đầu xác định "đã lỡ tàu" dù ngày 6/8/2018, SRA công bố lãi "khủng" 30 tỷ đồng tương đương EPS 6 tháng thuộc top đầu thị trường.
Sara Việt Nam có gì đáng chú ý?
Trong bản báo cáo tài chính quý 2/2018 với khoản doanh thu và lợi nhuận cao bất ngờ, SRA giải thích rằng biến động lớn về lợi nhuận này là do công ty đã đẩy mạnh hoạt động bán hàng và dịch vụ, nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Thực tế, tham vọng của công ty đã từng một lần được công bố trong Đại hội cổ đông thường niên tổ chức cuối tháng 6/2018 nhưng ít ai để ý. Năm nay, đại hội cổ đông của SRA đã thông qua tham vọng kinh doanh năm 2018 là rất lớn với tổng doanh thu lên tới 225 tỷ đồng cao gấp 6 lần cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế là 60 tỷ đồng tăng tới 522% so với kết quả thực hiện của năm 2017. Như vậy là, kết quả 6 tháng đầu năm tuy rất cao nhưng công ty mới hoàn thành được 24% mục tiêu về doanh thu và 48% mục tiêu về lợi nhuận.
Do đâu mà Sara Việt Nam đặt tham vọng kinh doanh lớn như vậy sau nhiều năm liền im hơi lặng tiếng?
Báo cáo thường niên năm 2018 cho thấy, từ năm 2016, công ty có nhiều thay đổi trong bộ máy quản trị, cơ cấu lại bộ máy quản lý, các nguồn lực được chuẩn bị và hoạch định để đáp ứng yêu cầu đảm bảo phát triển bền vững, tối ưu hoá hoạt động.
Cũng theo báo cáo thường niên, năm 2017 được coi là năm bản lề của SRA khi công ty bước sang một giai đoạn phát triển mới với việc mở rộng các lĩnh vực hoạt động kinh doanh như bán hàng thiết bị y tế, liên kết xã hội hóa y tế, dự án về môi trường (xây dựng các lò đốt rác thải y tế công nghệ cao,…), dự án kinh doanh sản phẩm tiêu dùng của Nhật,…nhờ đó đã góp phần nâng cao năng lực hoạt động và mang lại hiệu quả cao trong kết quả kinh doanh của công ty. Trước đó định hướng lĩnh vực hoạt động chính của Công ty là nghiên cứu và phát triển công nghệ thông tin, trong đó trọng tâm là gia công và cung cấp các sản phẩm phần mềm, thiết kế website.
Nhà đầu tư nên lưu ý gì?
Nhìn vào các báo cáo có thể thấy, dường như, SRA có sự chuyển biến đáng kể và đây là một phần lý do giúp cổ phiếu tăng chóng mặt. Tuy nhiên, trước khi quyết định rót vốn đầu tư khi cổ phiếu đã tăng gấp 5, 6 lần thì nhà đầu tư cần lưu ý những điểm sau:
-Thứ nhất: Doanh thu 6 tháng đầu năm 2018 của công ty tăng mạnh từ mức gần 7 tỷ đồng lên 54 tỷ đồng, lợi nhuận tăng từ mức chưa đầy 1 tỷ lên 30 tỷ là điều đáng chú ý. Những cái tên xuất hiện trong báo cáo tài chính ở các hạng mục phải thu, phải trả đều đang cho thấy công ty có sự chuyển biến đáng kể về ngành hàng như trong báo cáo thường niên đã công bố. Tuy nhiên, mức độ bền vững của những nguồn khách hàng cho lĩnh vực này là điều cổ đông cần biết rõ ràng hơn và có lẽ, những gì công ty đã công bố là khá ít ỏi so với sự "sốc" tăng giá cổ phiếu.
-Thứ hai: Các con số tài chính cho thấy có vẻ như sức khoẻ tài chính của công ty đã vượt trội hơn, thậm chí tốt nhất 10 năm qua nhưng dường như nỗ lực tăng vốn bất thành năm 2017 đang khiến cho SRA phải phụ thuộc khá nhiều vào nguồn vốn tài trợ thương mại của các bên đối tác bán hàng/ mua hàng. SRA vẫn giữ vốn điều lệ "tí hon" 20 tỷ đồng suốt 10 năm niêm yết vừa qua do hoạt động kinh doanh khá èo uột suốt 10 năm qua.
Tuy nhiên, hiện SRA đang có nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lên đến hơn 32 tỷ đồng- hơn gấp rưỡi vốn điều lệ. Nếu công ty thực hiện thành công các phương án tăng vốn điều lệ như trong nghị quyết đại hội cổ đông, tức từ 20 tỷ đồng lên 180 tỷ đồng thì câu chuyện có thể sẽ khác.
-Thứ ba: Giá cổ phiếu đã tăng khá bất thường và có lẽ, những lý giải của công ty về giá cổ phiếu là điều nhà đầu tư đang cần trong giai đoạn này để quyết định có nên đặt lòng tin vào một doanh nghiệp "tí hon" đang cố thay đổi tình hình kinh doanh của mình hay không.