Hãy quên đi tất cả các loại tài sản truyền thống – từ cổ phiếu, trái phiếu đến hàng hóa – để đầu tư vào 1 đồng tiền số được rất ít người biết đến, thậm chí còn là đồng tiền số đầu tiên trên thế giới, rồi sau đó chỉ cần khoanh tay đứng nhìn đồng tiền đó tăng trưởng như vũ bão, ở tốc độ mà bạn chỉ có thể thấy trong những giấc mơ điên rồ nhất. Nếu có ai đó đưa ra lời khuyên như vậy vào đầu thập niên 2010, chắc hẳn bạn sẽ nghĩ ngay rằng thật hoang đường.
Nổi lên từ đống tro tàn của khủng hoảng tài chính, Bitcoin được tạo ra như 1 "đường vòng" để lảng tránh các ngân hàng và cả các cơ quan chính phủ đang chìm đắm trong bi kịch lớn nhất trong nhiều thập kỷ của phố Wall. Thời gian đầu, Bitcoin có những bước tiến khá chậm chạp và không thể đột phá, vướng vào một loạt vụ bê bối (từ gian lận, trộm cắp đến lừa đảo), khiến nhà đầu tư quay lưng và rơi vào tầm ngắm của cơ quan quản lý. Tuy nhiên, những cú bùng nổ - dù sau đó lại vụt tắt – đã đưa bitcoin đến vị trí tài sản sinh lời tốt nhất của thập niên 2010.
Theo dữ liệu thống kê của Bloomberg, bitcoin – hiện đang được giao dịch quanh mức 7.200 USD – đã tăng trưởng hơn 9.000.000% kể từ tháng 7/2010 đến nay.
Diễn biến giá bitcoin trong thập niên vừa qua. Nguồn: Bloomberg.
"Bitcoin thực sự là minh chứng sống động nhất cho niềm lạc quan có phần điên rồ có liên quan đến giới công nghệ rằng "lần này sẽ khác", Peter Atwater, Chủ tịch Financial Insyghts nói.
Bất chấp mức độ biến động rất mạnh và những vụ sụp đổ kinh hoàng, đà tăng "khủng" của bitcoin trong 10 năm qua khiến tất cả các loại tài sản khác phải "hít bụi". Những người kiên trì nắm giữ bitcoin đi qua những thăng trầm của đồng tiền số này thực sự đã được hưởng thành quả xứng đáng.
Trong cùng kỳ, S&P 500 chỉ tăng gần 3 lần, trong khi chỉ số theo dõi chứng khoán thế giới tăng hơn 2 lần. Giá vàng tăng 25%. Một số cổ phiếu có diễn biến tốt nhất trong chỉ số Russell 3000 tăng khoảng 3.000%. Những con số này hoàn toàn lu mờ so với đà tăng của tài sản mới nhất và có lẽ cũng gây tranh cãi nhiều nhất của "vũ trụ tài chính".
Khi ai đó tên là Satoshi Nakamoto tung ra bitcoin vào mùa lễ Halloween năm 2008, bitcoin gần như không có chút giá trị nào. Được thiết kế để trở thành phương tiện trao đổi mà người dùng trên toàn thế giới có thể gửi cho nhau trên hệ thống điện tử, bitcoin không chịu sự kiểm soát của bất kỳ mạng lưới tập trung nào. Thay vào đó, nó được kiểm soát bởi 1 mạng lưới các máy tính theo dõi mọi giao dịch thông qua sổ cái sử dụng công nghệ blockchain. Đối với nhiều người, chỉ cần công nghệ blockchain đã đủ để thuyết phục họ mua vào bitcoin.
Bitcoin còn thăng hoa nhờ những người lạc quan cho rằng công nghệ blockchain sẽ hoàn toàn thay đổi hệ thống tài chính toàn cầu. "Đây là lần đầu tiên chúng ta nhìn thấy tiền bạc tách bạch với chính phủ", Alex Mashinsky – nhà sáng lập của nền tảng cho vay tiền số Celsius Network – phát biểu.
Đầu năm 2017, giá bitcoin lần đầu vượt mốc 1.000 USD. Đến mùa hè năm đó, nó đã tăng giá hơn gấp đôi và đến cuối năm thì ở mức hơn 14.000 USD. Nhưng đà lao dốc thậm chí còn mạnh hơn đà tăng giá. Đến cuối 2018, giá bitcoin chỉ là hơn 3.000 USD, để rồi lại bật tăng mạnh mẽ, lên tới 13.800 USD vào mùa hè năm 2019.
Bitcoin đang nhận được những dự báo đầy lạc quan cho thập kỷ tiếp theo. Những người lạc quan khẳng định bitcoin chắc chắn sẽ được sử dụng rộng rãi, công nghệ blockchain sẽ tạo ra 1 cuộc cách mạng và giải quyết mọi vấn đề của thế giới. Mặt khác, bitcoin nói riêng và tiền số nói chung sẽ ngày càng bị quản lý chặt hơn, với sự quan tâm lớn hơn bao giờ hết từ các NHTW.
Trong ngắn hạn, một số nhà đầu cơ dự báo 2020 đồng bitcoin sẽ ít biến động hơn. Nguyên nhân là do đợt chia tách sắp tới – khi số coin mà các thợ đào nhận được sẽ giảm một nửa – sẽ diễn ra vào tháng 5/2020. Đợt chia tách trước đó – khoảng 4 năm trước, trùng hợp với một đợt tăng giá và nhiều nhà đầu tư kỳ vọng rằng lịch sử sẽ lặp lại. Nhưng theo Andy Bromberg của CoinList, đợt phân tách này đã được phản ánh vào giá hiện tại.
Thay vào đó chuyên gia này cho rằng sau năm 2020 bitcoin sẽ khẳng định được vị thế là "vàng kỹ thuật số"m một cách "tích trữ giá trị" mà, giống như bản thân kim loại quý này, không nhất thiết phải có nhiều công dụng thực tế mới có giá trị lớn.
Tham khảo Bloomberg