Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 ngày 21-12, ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết EVN kiến nghị Bộ Công Thương chấp thuận và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân theo quy định tại Quyết định 24/2017/QĐ-TTg để giảm khó khăn cho ngành và bảo đảm cân bằng tài chính năm 2023 và các năm tiếp theo do giá nhiên liệu tăng cao.
Chi phí ngành điện tăng cao
Bức tranh tài chính của EVN năm 2022 theo đánh giá của ông Nguyễn Tài Anh là hết sức khó khăn. Mặc dù doanh thu toàn tập đoàn ước đạt 460.700 tỉ đồng (tăng 4,31% so với năm 2021), trong đó doanh thu công ty mẹ EVN ước đạt 385.300 tỉ đồng, bằng 101% kế hoạch và tăng 11,28% so năm 2021. Tuy nhiên, toàn tập đoàn ước lỗ 31.360 tỉ đồng do giá nhiên liệu để sản xuất điện, tỉ giá tăng cao.
Cũng theo ông Nguyễn Tài Anh, việc cấp than sản xuất trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu. Đầu năm, giá than thế giới tăng cao, nguồn than nhập khẩu hạn chế nên Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc không nhập khẩu đủ than để sản xuất than trộn cấp cho các nhà máy điện. Các tháng cuối năm Tổng Công ty Đông Bắc cấp than pha trộn hoàn toàn cho các nhà máy điện và dừng cấp than cho các nhà máy điện Nghi Sơn 1, Thái Bình nên tồn kho than rất thấp, ảnh hưởng lớn cho sản xuất điện trong mùa khô năm 2023. Trong khi đó, chỉ số giá than nhập khẩu biến động mạnh, tăng gấp nhiều lần so với năm 2020, 2021. Ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), chia sẻ trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao, A0 đã tăng khả dụng nguồn điện giá rẻ, hạn chế nguồn điện giá cao.
Theo bà Đỗ Nguyệt Ánh, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc, giá mua điện năm 2022 tăng cao; so với đơn giá trong kế hoạch đề ra, giá mua điện trên thực tế tăng 685 đồng/KWh, nhân với sản lượng, chi phí bỏ ra tăng thêm tới 3.700 tỉ đồng để mua điện. Kết quả tính toán giá điện của EVN theo quy định tại Quyết định 24 của Thủ tướng về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân cho thấy chi phí đầu vào đã tăng cao hơn rất nhiều so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành. Việc điều chỉnh giá điện đã được EVN báo cáo cấp có thẩm quyền để xem xét quyết định theo đúng quy định tại Quyết định 24 của Thủ tướng.
Theo chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh, giá bán lẻ điện bình quân hiện ở mức 1.864,44 đồng/KWh (chưa gồm thuế GTGT), duy trì từ tháng 3-2019 đến nay. Ông Doanh cho rằng các yếu tố về giá nhiên liệu, tỉ giá tăng cao đã rất rõ ràng trong thời gian qua, gây áp lực lên ngành điện trong vấn đề chi phí. Ông Doanh nhấn mạnh giá nhiên liệu thế giới và trong nước tăng đột biến làm cho chi phí sản xuất điện và mua điện của EVN tăng rất cao, đặc biệt giá than nhập khẩu tăng hơn 3 lần, nên việc tính toán để tăng giá điện ở mức phù hợp là cần thiết. TS Lê Đăng Doanh lưu ý cần cân nhắc, tính toán kỹ trong bối cảnh sau đại dịch COVID-19.
PGS-TS Nguyễn Thường Lạng (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) nhìn nhận việc xem xét tăng giá điện trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng, biến động liên quan thời gian qua là phù hợp. Theo PGS-TS Nguyễn Thường Lạng, việc điều chỉnh giá điện cần được đặt trên cơ sở các chi phí đầu vào đã được tính toán một cách minh bạch, rõ ràng, công khai nhất, bảo đảm sự đồng thuận của xã hội.
Khách hàng đóng tiền điện tại Công ty Điện lực Sài Gòn Ảnh: Tấn Thạnh
Mức tăng thấp nhất có thể
Theo TS Lê Đăng Doanh, mức tăng cần được xem xét, dựa trên mục tiêu đa chiều. Trong bối cảnh đang phục hồi sản xuất - kinh doanh sau đại dịch COVID-19, việc tăng giá điện phải tính toán lộ trình hết sức cẩn trọng để tránh ảnh hưởng đến đời sống của người dân, sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Nhưng ở chiều ngược lại, nếu kìm giá điện, ngành điện sẽ gặp khó khăn trong cân đối dòng tiền, ảnh hưởng đến việc bảo đảm cung ứng điện cho nền kinh tế. Vì vậy, yêu cầu đặt ra theo ông Doanh là phải hài hòa các mục tiêu đa chiều này.
Cho rằng việc điều chỉnh giá điện hiện nay là nhu cầu tương đối cấp bách của ngành điện khi các khoản lỗ của EVN đã được công bố, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) lưu ý mức tăng và thời điểm tăng là 2 yếu tố mà cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp thu các ý kiến đóng góp. Theo ông Thịnh, giá điện tăng sẽ là gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh còn nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19. Do đó, trong trường hợp điều chỉnh giá tăng, ông Thịnh kiến nghị mức tăng thấp nhất có thể và lộ trình tăng phải phù hợp để tránh gây sốc. Cùng chung lo ngại sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người dân, đặc biệt là bộ phận người lao động đang đối mặt với tình hình việc làm rất khó khăn ở những tháng cuối năm 2022, đầu năm 2023, PGS-TS Nguyễn Thường Lạng kiến nghị có thể triển khai việc tăng giá điện khi các vấn đề đã cơ bản ổn định.
Về số lỗ dự kiến 31.360 tỉ đồng của EVN trong năm 2022, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đề nghị EVN tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tiết giảm chi phí, tăng doanh thu, bảo đảm khả năng cân đối tài chính, phát triển bền vững và hiệu quả các hoạt động sản xuất - kinh doanh, bảo toàn và phát triển vốn. Bên cạnh đó, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần được đặt lên hàng đầu trong tất cả các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, đầu tư xây dựng, tài chính, quản trị.
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, EVN cần chủ động báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các khó khăn, tình hình tài chính của EVN và đề xuất các giải pháp hỗ trợ. Trong đó, có giải pháp cốt lõi, lâu dài là tăng giá điện để bảo đảm cân bằng tài chính năm 2022 và các năm tiếp theo cho EVN.
Sớm sửa đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện
Theo ông Trần Đình Nhân, Tổng Giám đốc EVN, sau 10 năm sản xuất - kinh doanh có lợi nhuận, đây là năm EVN lỗ lớn do nguyên nhân khách quan và sẽ gây nhiều ảnh hưởng đến hoạt động của EVN trong thời gian tới. Để hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch năm 2023, EVN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét, phê duyệt Quy hoạch điện VIII, sớm phê duyệt sửa đổi Quyết định 28/2014/QĐ-TTg ngày 7-4-2014 quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, xem xét sửa đổi các nghị định liên quan để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhà nước huy động các nguồn vốn.