Tại cuộc họp báo của Bộ Tài chính về tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách quý I/2019 chiều 5/4, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc tăng giá xăng dầu sẽ ảnh hưởng như thế nào tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2019, ông Đặng Công Khôi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, giá xăng dầu thế giới thời gian gần đây đang diễn biến bất ổn với xu hướng tăng.
Trước diễn biến này, cơ quan chức năng đã tính tới 3 kịch bản chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2019 với các mức độ tăng giá xăng, dầu khác nhau.
Ông Đặng Công Khôi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính
Theo Cục Quản lý giá, cả 3 kịch bản này đã được Bộ Tài chính báo cáo với Ban chỉ đạo điều hành giá trong quý I và đã được thống nhất là sẽ điều hành giá xoay quanh 3 kịch bản này." Kịch bản thứ nhất, nếu giá xăng, dầu bình quân thế giới tăng 5%, CPI năm 2019 có thể tăng 3,4% so với năm 2018. Kịch bản thứ hai là nếu giá xăng dầu thế giới tăng 10%, khi ấy, CPI năm 2019 sẽ tăng khoảng 3,7%. Với kịch bản cuối cùng, giá xăng, dầu thế giới tăng 15% có thể sẽ khiến CPI tăng ở mức 3,8-3,9%", ông Đặng Công Khôi cho hay.
"Gắn với từng thời kỳ sẽ có kịch bản chi tiết, biện pháp cụ thể, làm sao giữ được ổn định CPI," ông Đặng Công Khôi nói.
Mặt khác, cơ quan quản lý giá sẽ có biện pháp cụ thể để giữ ổn định CPI thông qua các giải pháp như tiếp tục nắm bắt thông tin dự báo diễn biến đảm bảo tính chính xác, kiểm tra các yếu tố tác động tới giá các mặt hàng nằm trong danh mục bình ổn giá để có biện pháp bình ổn. Đồng thời, rà soát các quy định pháp luật liên quan để đảm bảo mức độ điều hành giá các mặt hàng khác ngoài mặt hàng xăng dầu.
Trước đó, kể từ 17 giờ ngày 2/4 giá các mặt hàng xăng dầu đã đồng loạt tăng mạnh. Cụ thể, xăng E5 RON92 tăng 1.370 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 1.484 đồng/lít. Cùng với đó, dầu diesel 0,05S tăng 1.219 đồng/lít; dầu hỏa tăng 1.086 đồng/lít và dầu mazút 3.5S tăng 1.127 đồng/kg./.