Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi vừa ký ban hành "Quy định về hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K)" để "lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư lấy ý kiến người dân có đất bị thu hồi trên địa bàn thành phố năm 2023". Hệ số này được áp dụng từ ngày 18-3-2023.
So với năm 2022, hệ số năm nay cao hơn và được ban hành sớm hơn 5 tháng. Đối tượng áp dụng là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai; tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng; người sử dụng đất quy định tại điều 5 của Luật Đất đai; tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Việc điều chỉnh giá đất giúp thúc đẩy tiến độ nhiều dự án. Ảnh: QUỐC ANH
Theo đó, nhóm đất ở tùy địa phương mà có hệ số điều chỉnh gấp 3-25 lần so với giá nhà nước, tăng 10 đơn vị so với năm 2022 (tối đa 15 lần). Ngoài ra, đất thương mại, dịch vụ (thuộc nhóm đất phi nông nghiệp không phải là đất ở) được tính bằng 80% giá đất ở liền kề. Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ, đất sử dụng vào các mục đích công cộng có mục đích kinh doanh, đất xây dựng trụ sở cơ quan, đất công trình sự nghiệp, đất nghĩa trang, đất giáo dục, y tế, đất tôn giáo được tính bằng 60% giá đất ở liền kề.
Nhiều năm nay, TP HCM luôn gặp khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng mà một trong những nguyên nhân chính là chậm trong phê duyệt đơn giá bồi thường. Hệ lụy là kết quả giải ngân vốn đầu tư công thường không đạt chỉ tiêu. Việc thành phố tăng hệ số K trong bồi thường tác động tích cực đến công tác giải phóng mặt bằng, triển khai các dự án đầu tư công.
Hệ số K đối với đất ở, đất nông nghiệp tại các địa phương ở TP HCM. Ảnh: PHAN ANH
TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP HCM, cho rằng để phát triển hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội thì theo nguyên lý chung người dân phải được hưởng lợi khi nhận bồi thường. Thực tế, thời gian qua người dân gặp khó khăn trong việc tái lập cuộc sống khi bị thu hồi đất, nhiều trường hợp chưa thỏa mãn mức bồi thường. Việc TP HCM tăng hệ số K sẽ giúp công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tốt hơn. "Nhà nước và nhân dân phải tìm thấy nhau ở mức giá trung gian hợp lý trên cơ sở lợi ích cá nhân và lợi ích chung để phục vụ sự phát triển chung" - TS Võ Kim Cương nói.
Bên cạnh đó, theo TS Võ Kim Cương, giá đất không phụ thuộc vào tên gọi mà phụ thuộc vào vị trí của đất nhưng có thực tế là 2 mảnh đất liền kề, cùng vị trí nhưng tên gọi khác nhau (đất ở, đất nông nghiệp) nên giá khác nhau. Ông cho rằng điều này đang được khắc phục để công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tốt hơn.
Đưa hệ số cụ thể vào phương án bồi thường
UBND TP HCM chỉ đạo UBND TP Thủ Đức và quận, huyện rà soát (mục đích sử dụng đất, vị trí, tuyến đường) với các dự án đã được UBND thành phố phê duyệt trong khoảng thời gian không quá 1 năm tại địa phương để cân đối hệ số K đối với đất ở và đất nông nghiệp. Từ đó, đưa hệ số cụ thể vào phương án bồi thường, hỗ trợ lấy ý kiến người dân có đất bị thu hồi...