Kể từ khi VN-Index tạo đáy tại vùng 650 điểm vào cuối quý 1/2020, thị trường chứng khoán Việt Nam đã hồi phục ngoạn mục và hiện lên trên 1.340 điểm, mức cao nhất trong lịch sử. Trong bối cảnh thị trường sôi động, nhiều cổ phiếu đã bứt phá "bằng lần" trong hơn 1 năm qua.
Trong đó, TCM của May Thành Công là một trong những cổ phiếu bứt phá mạnh nhất thị trường. Kể từ đáy được xác lập vào cuối quý 1/2020, TCM đã bứt phá ngoạn mục hơn 10 lần và có thời điểm lên trên 100.000 đồng/cp (tính theo giá điều chỉnh) vào cuối tháng 3, đầu tháng 4/2021.
TCM tăng trưởng ngoạn mục trong 1 năm qua
Đà tăng trưởng của cổ phiếu TCM được hỗ trợ bởi KQKD bứt phá mạnh. Dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng TCM thậm chí đã báo lãi kỷ lục 276 tỷ đồng trong năm 2020, tăng trưởng 27% so với năm trước. Sang quý 1/2021, đà tăng trưởng lợi nhuận của TCM còn ấn tượng hơn khi lãi 62 tỷ đồng, tăng 82% so với cùng kỳ 2020.
Năm 2021, TCM đặt mục tiêu doanh thu thuần 4.218 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 290 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 22% và 5% so với thực hiện năm trước. TCM cho biết công ty không chỉ tăng đơn tại những khách hàng cũ, mà còn đạt được hợp đồng với những khách hàng mới như Lacoste (dòng áo thun cá sấu), Tommy…và đã "full" đơn hàng cho nhiều tháng sau.
Để tận dụng cơ hội, TCM đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành nhà máy Vĩnh Long số 2 với công suất 12 triệu sản phẩm/năm, tăng công suất may thêm 50% lên 36 triệu sản phẩm/năm trong năm 2022. Nhà máy Vĩnh Long số 2 đi vào hoạt động sẽ giúp TCM nắm bắt cơ hội từ khách hàng lớn Adidas. Bên cạnh đó, TCM có kế hoạch đầu tư nhà máy nhuộm và đan của dự án Vĩnh Long trong 2022 để hoàn thiện chuỗi cung ứng.
Ngoài yếu tố kinh doanh tích cực, đà tăng của TCM còn được hỗ trợ bởi sự xuất hiện của "cá mập" Nguyễn Văn Nghĩa, cựu Phó TGĐ Gạch Prime. Kể từ khi trở thành cổ đông lớn vào tháng 9/2020, ông Nghĩa đã liên tục gia tăng sở hữu, qua đó thúc đẩy đà tăng giá cổ phiếu.
Hiện tại, ông Nguyễn Văn Nghĩa đã nắm giữ hơn 8,8 triệu cổ phiếu TCM, tương ứng tỷ lệ hơn 14% và có chân trong HĐQT công ty. Chia sẻ gần đây, ông Nghĩa cho biết động thái đầu tư vào TCM của ông mang tính dài hạn, và quyết định trên được ông đưa ra sau khi được nghe chia sẻ về chiến lược cũng như tham quan các nhà máy của TCM thời gian qua.
Cổ phiếu bước vào xu hướng điều chỉnh ngay khi chính thức lọt rổ Diamond ETF
Bên cạnh những yếu tố về kinh doanh hay sự xuất hiện của cổ đông mới, đà bứt phá ngoạn mục của TCM thời gian qua còn đến từ câu chuyện lọt rổ Diamond ETF.
Với thanh khoản hàng chục tỷ đồng mỗi phiên cùng việc cổ đông ngoại Eland Asia Holding đang nắm giữ hơn 43% cổ phần, TCM đã sớm được dự báo có thể lọt rổ Diamond ETF trong kỳ review quý 1 từ thời điểm tháng 3.
Nếu được lọt vào danh mục quỹ Diamond ETF, TCM được dự báo sẽ được mua vào hàng trăm nghìn cổ phiếu và con số này sẽ còn gia tăng dựa vào việc hút vốn của quỹ.
Không ngoài dự báo, TCM chính thức được thông báo lọt rổ Diamond Index (chỉ số cơ sở của quỹ Diamond ETF) vào ngày 19/4/2021. Trong phiên giao dịch này, thị giá TCM đã tăng lên hơn 102.000 đồng/cp và đây cũng là vùng đỉnh lịch sử của TCM.
Tuy vậy, kể từ phiên sau khi thông tin TCM chính thức được vào rổ Diamond ETF, cổ phiếu này đã bước vào quá trình điều chỉnh. Kết thúc phiên giao dịch 1/6, thị giá TCM chỉ còn 82.300 đồng/cp, giảm gần 20% so với thời điểm công bố lọt rổ Diamond.
Hiện tại, TCM đang là cổ phiếu nhỏ nhất trong rổ Diamond với tỷ trọng 0,33%. Ước tính quỹ VFM VNDiamond ETF hiện đang nắm giữ hơn 500 nghìn cổ phiếu TCM.
Dù vậy, việc TCM bắt đầu điều chỉnh ngay sau khi vào rổ Diamond ETF có thể chỉ là điều trùng hợp bởi cổ phiếu này đã tăng hơn 10 lần trong vòng 1 năm và áp lực "chốt lời" là điều không quá bất ngờ.
Trong báo cáo mới được công bố, CTCK Phú Hưng (PHS) cho rằng hoạt động kinh doanh của TCM sẽ duy trì xu hướng tích cực trong dài hạn nhờ mô hình kinh doanh vượt trội, đầu ngành, được hưởng lợi nhiều từ các hiệp định thương mại. Tuy nhiên trong ngắn hạn, PHS đánh giá tiềm năng tăng trưởng của TCM đã phản ánh vào giá cổ phiếu.
Tỷ trọng TCM trong rổ Diamond ETF