Các hộ gia đình của Việt Nam đã tiến thêm một bậc trên nấc thang kinh tế, báo cáo của World Bank cho biết. Từ năm 2014 đến nay, trung bình có 1,5 triệu người Việt gia nhập vào tầng lớp trung lưu.
Tầng lớp trung lưu, tức những người có mức thu nhập từ 18 – 40 triệu đồng/tháng, dự báo sẽ chiếm 33% dân số đất nước vào năm 2020, như TS. Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Mekong nhận định.
Trước quan điểm lo lắng về tầng lớp trung lưu làm giàu từ bất động sản, chứng khoán, tiền ảo, TS. Tùng nhấn mạnh: "Không có vấn đề gì ở đây cả".
Theo phân tích của ông, chứng khoán là một kênh đầu tư, giúp doanh nghiệp huy động vốn rồi dùng tiền đó mở rộng kinh doanh, tức tiền đi vào sản xuất. Như vậy vô hình trung tầng lớp trung lưu nếu làm giàu bằng kênh này, họ đã đóng góp vào sản xuất.
Đối với kênh đầu tư bất động sản, TS. Tùng nhận xét không phải ai cũng có thể giàu mãi bằng cách đầu tư vào kênh này. Nguyên nhân, Nhà nước sẽ đến lúc dùng các chế tài như thuế để làm thị trường bất động sản minh bạch. Như vậy, thị trường sẽ không còn là nơi tiềm năng để làm giàu nữa. Bên cạnh đó, cơ chế thị trường cũng sẽ tự điều tiết cân bằng.
Cuối cùng là tiền ảo. Quan điểm của Viện trưởng Viện Mekong cho rằng đây chỉ là kênh đầu tư nhất thời. Đa số người dân đang "chơi" theo hình thức đám đông và những vụ lừa đảo như iFAN vừa xảy ra sẽ là bài học cảnh báo khiến họ cân nhắc hơn.
"Khi những kênh này không còn tiềm năng nữa, họ sẽ nghĩ đến các kênh khác để đầu tư. Do vậy, không cần quá lo lắng", TS. Phùng Đức Tùng cho biết.
Nói thêm về sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, vị Viện trưởng này cho biết đấy là điều đáng mừng vì tầng lớp này đóng vai trò quan trọng cho nền kinh tế phát triển, đặc biệt là việc chuyển dịch kinh tế từ phụ thuộc vào xuất khẩu sang tiêu dùng nội địa.
Tầng lớp này đóng vai trò quan trọng trong việc đổi mới và sáng tạo. Các nghiên cứu gần đây cho thấy hầu như các phát minh, sáng chế đều bắt nguồn từ những người xuất thân từ các gia đình trung lưu, hầu như không có từ những người xuất thân từ những gia đình giàu có và rất ít từ những người xuất thân từ các gia đình nghèo.
Họ cũng đóng vai trò cốt lõi trong việc hình thành và phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo việc làm và góp phần vào nâng cao vai trò và vị thế của khu vực kinh tế tư nhân, góp phần xây dựng một nền kinh tế thị trường hoàn hảo, cạnh tranh minh bạch, giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào khối doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp lớn từ đó có đóng góp rất quan trọng trong việc giảm rủi ro và tác động của các cuộc khủng hoảng kinh tế đến nền kinh tế nói chung.
Bên cạnh đó, tầng lớp trung lưu đóng góp rất quan trọng trong việc thúc đẩy và cải cách thể chế giúp nâng cao hiệu quả của nền kinh tế.
Một nghiên cứu của Wold Bank sử dụng số liệu năm 2010 cho thấy cho thấy nếu tăng 1% thu nhập của tầng lớp trung lưu ở Việt Nam sẽ góp phần tăng 0,56% GDP bình quân đầu người, làm tăng tỷ lệ dân số được đào tạo thêm 1,06%, làm giảm hệ số bất bình đẳng GINI khoảng 0,17 và tăng tỷ lệ đầu tư toàn xã hội cho phát triển kinh tế trên GDP thêm 6%.
Vì vậy, một trong những vấn đề cần được quan tâm, theo TS. Phùng Đức Tùng, là phải có các biện pháp "nuôi dưỡng" giúp tầng lớp trung lưu phát triển hơn nữa.