Khi thương chiến Mỹ - Trung vẫn là chủ đề thảo luận sôi nổi của các chính trị gia và nhà phân tích từ Bắc Kinh cho đến Washington, thì hàng triệu người thuộc tầng lớp trung lưu của Trung Quốc lo ngại về một vấn đề ở ngay trong nước. Đó là mức lương cùng giá trị tài sản mà họ nắm giữ đều sụt giảm, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế giảm tốc.
GDP của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng lên 100 nghìn tỷ CNY (14,4 nghìn tỷ USD) vào năm 2020, trong khi GDP bình quân đầu người đã vượt mốc 10 nghìn USD vào năm ngoái. Cả 2 yếu tố này đều mang đến niềm vui cho Bắc Kinh, dù những nhân viên văn phòng, doanh nhân trung bình lại không cảm nhận được điều đó.
Alice Zhou - một nữ doanh nhân khoảng 40 tuổi, chia sẻ: "Rõ ràng là tài sản của gia đình tôi sẽ đi xuống vào năm nay. Điều này có thể nhận thấy từ sự sụt giảm của giá kinh doanh và bất động sản của bạn bè tôi và tôi trong vài năm qua." Theo Zhou, thời điểm "hoàng kim" của năm 2015 - 2016 đã dần kết thúc, khiến khoảng một nửa các quán cafe, địa điểm giải trí trong nhà mà bà sở hữu ở Bắc Kinh và Thiên Tân phải đóng cửa kể từ năm 2018.
Zhou cho hay: "Doanh thu hoạt động kinh doanh của tôi đã sụt giảm kể từ cuối năm 2018, vì hầu hết khách hàng của tôi ở các khu giải trí trong nhà đều là các cặp đôi trung lưu - khoảng 30, 40 tuổi. Hầu như họ đều có 1 hoặc 2 con và thường phải chi trả ít nhất 20 nghìn CNY/tháng cho khoản thế chấp bất động sản và 10 nghìn CNY cho phí sinh hoạt của gia đình. Thực ra, đối với họ, nếu tài sản hoặc thu nhập thay đổi 1 chút, thì các gia đình đó sẽ không thể đáp ứng được."
Xu Yipeng là một người dân thuộc tầng lớp trung lưu sống ở Quảng Châu. Ông đã gặp nhiều khó khăn khi bán một căn hộ 2 phòng ngủ rộng 80m2 từ giữa năm 2018, dù đã hạ giá xuống từ 4,6 triệu CNY xuống 4,1 triệu CNY.
Ông Xu nói: "Việc kinh doanh đang ngày càng khó khăn và chi phí sinh hoạt tăng lên nhanh chóng. Bạn bè, đồng nghiệp và tôi đều lo lắng về vấn đề tương tự trong 2-3 năm nay. Nhưng kể từ nửa cuối năm 2019, thì sự bất an về giá trị tài sản đang sụt giảm lại tăng lên nhanh hơn."
2 năm trước, việc tập trung lại để bàn bạc về giá trị bất động sản, tài sản là điều hiếm thấy trong cộng đồng người kinh doanh ở Trung Quốc. Nhưng hiện tại, đây là những vấn đề được thảo luận thường xuyên, khi thị trường bất động sản ngày càng ảm đạm, vốn đổ cho các công ty ngày càng ít, ông Xu giải thích.
Tuy nhiên, các chỉ số kinh tế chính thức của Trung Quốc dường như lại không thể hiện nỗi lo ngại của những người như ông Xu hay bà Zhou. Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc hôm 17/1 đã thông báo GDP nước này tăng 6,1% cả năm 2019, thấp hơn nhiều so với mức 6,6% của năm 2018. Đây là tỷ lệ tăng trưởng thấp nhất của nền kinh tế Trung Quốc kể từ năm 1990. 6,1% vẫn nằm trong phạm vi mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% mà Bắc Kinh đặt ra cho năm 2019, nhưng nhiều ý kiến cho rằng những con số này đều đã được chính phủ Trung Quốc "bóp méo".
Tầng lớp trung lưu thành thị của Trung Quốc là một trong những nhóm được hưởng lợi nhiều nhất từ sự bùng nổ kinh tế trong 5 thập kỷ qua. Thế nhưng, niềm tin đối với tốc độ tăng trưởng hiện tại dường như bị dao động khi giá bất động sản bắt đầu sụt giảm mạnh. Các thành phố hạng 1 - Bắc Kinh, Quảng Châu và Thượng Hải, đã chứng kiến giá nhà và giá cho thuê lao dốc mạnh. So với mức đỉnh hồi tháng 4/2017, mức giá trung bình cho bất động sản ở Bắc Kinh trong tháng 11 đã giảm khoảng 18,5%, theo báo cáo của Viện Chiến lược Kinh tế Quốc gia thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc.
Theo CBRE, trong số 70 thành phố lớn mà công ty này khảo sát, thì có 44 thành phố có mức giá nhà mới xây cao hơn hồi tháng 11, trong khi hồi tháng 10 là 50. Ngoài ra, nhu cầu đối với các văn phòng trống ở những thành phố lớn tiếp tục đi xuống, khi tỷ lệ văn phòng trống tăng mạnh nhất trong 10 năm. Tỷ lệ văn phòng trống tại 17 thành phố lớn đạt mức 21,5% trong quý III/2019, tăng từ 16,7% ở năm 2018. Tình trạng tương tự từng diễn ra ở cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Ông Xu chia sẻ: "Trước đây, khi giá nhà ở mức 4,8 triệu CNY, tôi cảm thấy rất thoải mái và hào phóng với việc cho con cháu đi du học, chi tiền cho những món đồ xa xỉ và chuyến đi du lịch nước ngoài. Tâm lý tự tin này đến từ suy nghĩ cho rằng giá nhà sẽ tiếp tục tăng trong năm tới. Giờ đây, tôi nhận ra vấn đề này thực sự nghiêm trọng. Nhà thì mất giá và xu hướng này vẫn diễn ra. Việc bán nhà hiện rất khó khăn."
Theo trang web việc làm Zhaopin.com, 34,6% nhân viên văn phòng chìm trong cảnh nợ "đầm đìa" hồi năm ngoái, trong khi con số của năm 2018 là 21,98%. Cuộc khảo sát cũng cho thấy 28% người được hỏi cho biết mức tăng lương của họ chỉ dưới 5% vào năm 2019, trong khi 40% chia sẻ họ không được tăng lương thậm chí còn bị cắt giảm. Gần 60% đưa ra cái nhìn tiêu cực về tình hình việc làm trong năm 2019.
Tại Trung Quốc, người dân đang cắt giảm chi tiêu cho một loạt những thứ không cần thiết để phòng vệ trước nguy cơ giá bất động sản và tiền lương sụt giảm. Theo đó, nhu cầu tiêu dùng đối với ô tô và các thiết bị gia dụng cũng lao dốc mạnh.
Theo Hiệp hội Nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM), doanh số bán ô tô tại nước này giảm tháng thứ 18 liên tiếp trong tháng 12, tổng doanh số bán xe năm 2019 đã giảm 8,2% xuống thấp hơn 25,8 triệu chiếc. CAAM ước tính tổng doanh số năm 2020 là 25,31 triệu chiếc, giảm 2% so với năm trước.
Ngoài ra, số liệu của Học viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc cũng cho thấy doanh số bán điện thoại chỉ đạt 389 triệu chiếc vào năm 2019, giảm 6,2% so với năm trước. Chỉ tính riêng tháng 12, con số này giảm 14,7% so với năm trước xuống còn 30,44 triệu chiếc.
Chưa dừng ở đó, chi tiêu cho giáo dục cũng dần bị cắt giảm. Hàng chục công ty đào tạo và giảng dạy tiếng Anh đã tuyên bố phá sản, hoặc bị đình chỉ kinh doanh do vấn đề tài chính vào cuối năm ngoái. Trường hợp nổi bật nhất là Web International English - công ty thành lập năm 1998 với 154 trung tâm đào tạo tại 63 thành phố trên khắp Trung Quốc. Tại Thâm Quyến, một số phụ huynh đã phải chuyển trường cho con cái, từ các trường song ngữ, quốc tế sang trường công lập.