Tại hội nghị tiếp xúc cử tri sáng ngày 13/10/2022, Thủ tướng đã trả lời cử tri về việc triển khai cải cách tiền lương. Cụ thể, các cơ quan đang đề xuất phương án theo hướng nâng mức lương cơ sở 2023 của cán bộ, công chức, viên chức lên 1,8 triệu đồng/tháng. Thời gian dự kiến thực hiện tăng lương cơ sở 2023 của công chức là từ ngày 1/7/2023. Đồng thời, Chính phủ cũng sẽ trình Quốc hội nâng mức phụ cấp với một số ngành nghề, lĩnh vực cho phù hợp.
Tiền lương, tiền phụ cấp, các khoản thu nhập khác được xem là căn cứ để đóng BHXH. Khi tiền lương cơ sở tăng lên thì mức đóng BHXH của những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước cũng tăng lên.
Cụ thể, khoản 2 Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc bao gồm: Mức lương; Phụ cấp lương; Các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động. Tuy nhiên, thực tế việc doanh nghiệp đang chưa tuân thủ việc đóng BHXH theo nguyên tắc này. Gần như các doanh nghiệp mới chỉ đóng BHXH cho lao động trên nền tiền lương và một số các khoản phụ cấp chính.
Theo Quy định, hàng tháng, người lao động và người sử dụng lao động phải trích một phần quỹ lương để đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Doanh nghiệp đóng theo tỷ lệ 21,5% hoặc 21,3% quỹ tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động, người lao động đóng tổng cộng 10,5% tiền lương tháng đóng BHXH.
Ví dụ, tiền lương tính đóng BHXH hàng tháng là 5.000.000 đồng/tháng thì mức trích đóng BHXH, BHYT, BHTN của người lao động 525.000 đồng/tháng. Và doanh nghiệp phải đóng gần 1,2 triệu đồng.
Khi tăng lương cơ sở từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng thì khi đó lương người cán bộ, công chức, viên chức tăng 20,8%, có nghĩa khoản đóng BHXH bắt buộc của họ cũng tăng 20,8% so với khoản đóng trước khi tăng.