Liên quan đến lo lắng của người lao động (NLĐ) về việc Nghị định 38/NĐ-CP về điều chỉnh lương tối thiểu (LTT) vùng không đề cập đến quy định 7% dành cho NLĐ đã qua đào tạo (Báo Người Lao Động số ra ngày 16-6 đã thông tin), sáng 16-6, ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam (Khu Công nghệ cao, TP Thủ Đức, TP HCM), đã thay mặt hàng ngàn công nhân (CN) tại công ty viết tâm thư gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH).
Thiếu hành lang pháp lý để thương lượng
Trong thư, ông Hồng cho biết theo Nghị định 38, mức LTT được điều chỉnh tăng 6% (tương ứng tăng từ 180.000 - 260.000 đồng). Tại TP HCM, vùng I tăng 260.000 đồng, từ mức 4.420.000 đồng/tháng lên 4.680.000 đồng/tháng. Thoạt nhìn thì thấy tăng nhưng khi áp dụng vào thực tế thì đại đa số chủ doanh nghiệp (DN) có quyền không tăng lương cho NLĐ.
Lý giải điều này, ông Hồng dẫn chứng: "Điểm b khoản 1 điều 5 Nghị định 90/NĐ-CP quy định áp dụng mức LTT vùng cao hơn ít nhất 7% so với mức LTT vùng đối với NLĐ làm công việc đòi hỏi đã qua học nghề, đào tạo. Thực tế tất cả lao động đều phải qua đào tạo mới có thể làm việc được, nên lâu nay DN đều áp dụng quy định này và LTT vùng I không thấp hơn mức 4.729.400 đồng/tháng.
Nay với việc Nghị định 38 bãi bỏ quy định này cho phù hợp với quy định của Bộ Luật Lao động (BLLĐ) 2019 thì chủ DN có quyền không tăng LTT cho NLĐ, do mức LTT đang áp dụng đã cao hơn mức quy định của Nghị định 38". Nói cách khác, từ ngày 1-7 (thời điểm Nghị định 38 có hiệu lực thi hành) thì giữa NLĐ phổ thông và NLĐ đã qua học nghề trong cùng một vùng sẽ không còn khoảng cách về tiền LTT.
Cũng theo ông Hồng, các quy định của BLLĐ 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành chỉ quy định LTT để bảo vệ NLĐ làm công việc giản đơn, còn đối với các công việc có mức lương khác cao hơn (như lao động đã qua đào tạo) thì NLĐ tự thương lượng, thỏa thuận với chủ sử dụng lao động. Tuy nhiên, thực tế, sẽ khó có lao động nào tự thương lượng tiền lương với chủ DN. "Mức LTT tại công ty tôi là 4.730.000 đồng, cao hơn mức tối thiểu theo Nghị định 90 chỉ 600 đồng.
Chúng tôi chỉ có thể thương lượng được phần tăng lương cho các vị trí công việc khác trong thang bảng lương theo chức danh và công việc. Tình trạng của chúng tôi cũng là khó khăn chung của đa số Công đoàn của DN có vốn đầu tư nước ngoài hiện nay. Không phải chúng tôi không dám đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ nhưng trường hợp này, chúng tôi ở thế yếu khi ngồi vào bàn thương lượng vì không có hành lang pháp lý để nói chuyện với chủ DN" - ông Hồng bày tỏ.
Công nhân lo lắng
Làm việc tại một DN chế biến thực phẩm tại quận 12, TP HCM từ năm 2018, hiện mức lương của anh Đỗ Văn Mười chỉ đạt khoảng 4.800.000 đồng/tháng. Sau khi trừ khoản đóng BHXH, thu nhập của anh chỉ còn khoảng 4.300.000 đồng/tháng. Nay nghe tin LTT vùng tăng, anh Mười khấp khởi mừng nhưng sau đó cảm thấy hụt hẫng khi Nghị định 38/NĐ-CP không còn quy định mức 7% đối với lao động đã qua đào tạo.
Không riêng anh Mười, hầu như các CN làm việc tại DN đều có cùng mức lương này bởi công ty trả lương theo vị trí, nên dù là người mới hay cũ thì cũng như nhau. Do vậy, họ chỉ biết trông chờ vào việc điều chỉnh LTT vùng của Chính phủ hằng năm. "Nếu công ty cứ cứng nhắc áp dụng đúng quy định của Chính phủ để trả lương cho CN thì rất có thể lương của chúng tôi sẽ đứng yên tại chỗ. Công ty chưa có thông báo nhưng chúng tôi rất hoang mang" - anh Mười lo lắng nói.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Huỳnh Tấn Tài, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Hong Ik Vina (KCX Tân Thuận, quận 7, TP HCM), bày tỏ: "BLLĐ được ví như hàng rào kỹ thuật để bảo vệ NLĐ và Công đoàn cơ sở căn cứ vào đó thương lượng với chủ DN. Thế nhưng, với Nghị định 38, cán bộ Công đoàn cơ sở bị tước đi vũ khí thương lượng".
Còn ông Phạm Như Huỳnh, Chủ tịch Công đoàn HTX Mây tre lá Ba Nhất (quận Bình Thạnh, TP HCM), cho biết việc áp mức LTT đối với lao động có tay nghề từ trước đến nay đã tạo động lực để NLĐ tích cực rèn luyện, nâng cao tay nghề, thế nhưng nay không còn sự khác biệt NLĐ cũng không có động lực để vươn lên. "Tôi cho rằng không nên bỏ đi 7% trong các nghị định quy định về LTT vùng. Đừng để NLĐ nghĩ rằng họ không được xem trọng vì dù làm ở bất kỳ công việc, vị trí nào, họ vẫn đang âm thầm đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội" - ông Huỳnh nhấn mạnh.
Kiến nghị Bộ LĐ-TB-XH có hướng dẫn cụ thể
Theo một lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam, quan điểm của tổ chức Công đoàn là việc tăng LTT không làm giảm đi các quyền lợi của NLĐ. Có nghĩa các quyền lợi cũ phải được bảo đảm, quyền lợi được tăng lương phải được thực hiện theo nguyên tắc thu nhập của NLĐ phải tăng lên 6% so với hiện nay và các chế độ hiện hành có lợi cho NLĐ phải tiếp tục được giữ nguyên. "Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ kiến nghị Bộ LĐ-TB-XH sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể việc thực hiện Nghị định 38/NĐ-CP về tăng LTT cho rõ ràng, có cách hiểu thống nhất trong thực hiện, tạo thuận lợi cho quá trình xây dựng bảng lương và thương lượng của hai bên" - vị lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam nói.