Hiện nay, trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, một số văn bản quy phạm pháp luật mới được Quốc hội thông qua nhưng chưa được chỉnh sửa, bổ sung tại Nghị định 50 như: Luật Quy hoạch năm 2017, Luật Đầu tư công năm 2019, Luật Đầu tư năm 2020, Luật Doanh nghiệp năm 2020 và Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư…
MỘT SỐ HÀNH VI KHÔNG CÒN LÀ VI PHẠM
Do vậy, tại dự thảo Nghị định sửa đổi lần này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã rà soát, điều chỉnh, bổ sung các nội dung trên nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Một số hành vi quy định tại Nghị định số 50 bị coi là vi phạm thì theo các quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật Đầu tư năm 2020 không còn là vi phạm.
Chẳng hạn, Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã bỏ quy định về thông báo mẫu dấu doanh nghiệp trước khi sử dụng; rút ngắn thời gian thông báo trước khi tạm ngừng kinh doanh từ năm 2021; bỏ quy định Báo cáo thay đổi thông tin của người quản lý doanh nghiệp...
Một số hành vi quy định tại Nghị định số 50 bị coi là vi phạm thì theo các quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật Đầu tư năm 2020 không còn là vi phạm.
Luật Đầu tư năm 2020 cũng cải cách, đơn giản hóa các thủ tục triển khai dự án đầu tư, mở rộng quyền tự chủ của nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án; bổ sung quy định về chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư…
Trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, Nghị định 50 chưa có biện pháp xử lý đối với trường hợp doanh nghiệp đã ngừng hoạt động nhưng không khai báo, không làm thủ tục giải thể.
Ngoài ra, mức xử phạt đối với một số hành vi còn thấp, chưa đủ sức răn đe. Hành vi vi phạm quy định về giãn tiến độ, không thực hiện dự án sau 12 tháng chỉ bị xử phạt từ 20-40 triệu đồng. Do vậy, nhiều nhà đầu tư lợi dụng để đầu cơ đất, giữ đất hoặc đăng ký đầu tư rồi bán lại dự án. Hay hành vi vi phạm quy định về sử dụng vốn đầu tư công nhưng mức phạt chỉ từ 10-20 triệu đồng là tương đối nhẹ so với khả năng thất thoát, lãng phí vốn nhà nước nếu để xảy ra vi phạm.
Một số biện pháp khắc phục "Buộc thay đổi…", "Buộc thực hiện…" đối với các hành vi vi phạm của doanh nghiệp về đăng ký kinh doanh trên thực tế ít phát huy tác dụng do nhiều doanh nghiệp không nghiêm túc thực hiện nhưng chưa có cơ sở để xử lý.
VỪA NGĂN CHẶN, VỪA BẢO ĐẢM QUYỀN TỰ DO KINH DOANH
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng các quy định của dự thảo sẽ bổ sung cơ sở pháp lý quan trọng cho việc triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
“Dự thảo vừa đảm bảo ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi đi ngược với quan điểm cải cách hành chính, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhà thầu; vừa bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân và doanh nghiệp; bảo đảm quyền tự do đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề pháp luật không cấm”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Theo đó, có 3 lĩnh vực mới được bổ sung vào dự thảo, gồm: lĩnh vực quy hoạch, lĩnh vực đầu tư theo phương thức đối tác công tư và lĩnh vực đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.
Quy hoạch, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất là 3 lĩnh vực mới được bổ sung vào dự thảo.
Trong đó, lĩnh vực đầu tư được tách thành 2 mục, bao gồm: đầu tư tại Việt Nam và đầu tư ra nước ngoài; và tách riêng lĩnh vực đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành 3 mục tương ứng: lĩnh vực quản lý, sử dụng vốn đầu tư công giữ nguyên.
Ngoài ra, dự thảo bổ sung thêm quy định về “Thời điểm xác định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính” vì trên thực tế, nhiều đơn vị phản ánh gặp khó khăn, vướng mắc trong việc xác định thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
Đồng thời, dự thảo cũng kiến nghị tăng mức xử phạt đối với hầu hết các hành vi vi phạm do các dự án đầu tư công thường có quy mô lớn, tổng mức đầu tư cao, dẫn tới nguy cơ gây thất thoát, lãng phí cho Nhà nước. “Vì vậy, cần có chế tài cao hơn để tăng cường hiệu quả răn đe, phòng ngừa vi phạm”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định.
Cụ thể, hành vi vi phạm quy định về sử dụng vốn đầu tư công sẽ chịu mức phạt tiền từ 50-70 triệu đồng, tăng từ 3-5 lần so với mức phạt tại Nghị định 50.
Đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài, đối với hành vi “Không chuyển lợi nhuận và các khoản thu nhập từ đầu tư ra nước ngoài về Việt Nam” được sửa đổi thành “Không thực hiện đúng quy định về chuyển lợi nhuận...”. Việc sửa đổi nhằm đảm bảo tính chặt chẽ và phù hợp hơn với quy định mới tại Luật Đầu tư năm 2020.
Dự thảo bỏ quy định xử phạt đối với hành vi “đăng ký tạm ngừng kinh doanh nhưng không thông báo tạm ngừng hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh” vì Khoản 4 Điều 66 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP không quy định doanh nghiệp phải thông báo tạm ngừng hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh.
Đồng thời, cũng bỏ quy định xử phạt đối với hành vi “Không chuyển đổi loại hình doanh nghiệp khi công ty không còn đủ số lượng thành viên, cổ đông tối thiểu theo quy định trong thời hạn 6 tháng liên tục” vì theo Điều 207 Luật Doanh nghiệp năm 2020, trường hợp doanh nghiệp không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu trong thời hạn 6 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp thì doanh nghiệp thuộc trường hợp bị giải thể.