Cuộc chiến hamburger tại Mỹ
Mùa hè năm 1984 là thời điểm bùng nổ của hamburger ở Mỹ. Sau một chiến dịch marketing thành công của Wendy’s, McDonald’s tìm cách "phản công", trở thành nhà tài trợ chính cho Olympics mùa hè năm 1984 được tổ chức tại Los Angeles.
Cùng với đó là chiến dịch marketing gắn với lòng yêu nước của người Mỹ và sự ủng hộ với vận động viên nước nhà. Với mỗi huy chương mà một vận động viên Mỹ giành được, họ sẽ được tặng một sản phẩm miễn phí.
Trước đó, McDonald’s đã thực hiện một chiến dịch tương tự nhưng có quy mô nhỏ hơn nhiều vào năm 1976 tại Montreal. Trong kỳ Olympics, Mỹ có thành tích tốt nhưng chỉ đứng thứ 3 về tổng số huy chương, sau Nga và Đức.
Kỳ Olympics tiếp theo tổ chức tại Moscow năm 1980, Mỹ tẩy chay sự kiện này. Đáp lại, Nga và Đức cùng một số nước khác đã không tham gia vào kỳ Olympics năm 1984 ở Mỹ.
Đây là quyết định mà McDonald’s không hề ngờ tới.
Trong thời gian diễn ra Olympics 1984, sau mỗi lần mua hàng, khách hàng của McDonald’s ở Mỹ sẽ được tặng một thẻ cào có in một bộ môn thi đấu bất kỳ. Nếu Mỹ giành được huy chương trong môn đó vào ngày hôm đó, vị khách sẽ nhận được một sản phẩm miễn phí của hãng.
Cụ thể như sau: Huy chương vàng – được tặng Big Mac, huy chương bạc – khoai tây chiên, huy chương đồng – đồ uống.
Ở Montreal, Mỹ giành được 34 huy chương vàng, 35 huy chương bạc, 25 huy chương đồng. Nhưng tại Los Angeles, vì không có sự tham gia của những vận động viên hàng đầu của một số nước khác, Mỹ đã đạt thành tích vượt trội với 83 huy chương vàng, 61 huy chương vàng và 30 huy chương đồng.
Với số lượng huy chương nhiều như vậy, hiển nhiên là có rất nhiều người Mỹ trúng giải trong chương trình khuyến mãi của McDonald’s. Con số này lớn đến nỗi một số cửa hàng cho biết họ đã bị thiếu Big Mac để cung cấp cho người trúng giải. Không chỉ đánh giá thấp số lượng huy chương mà Mỹ giành được, McDonald’s còn có một nước đi sai lầm khác là không giới hạn số lần mua hàng và áp dụng cho mọi sản phẩm, bất kể giá thấp hay cao.
Quảng cáo "ăn theo" Thế vận hội của McDonald's.
Nếu may mắn, một số vị khách có thể mua một sản phẩm giá thấp, trúng giải thưởng giá trị cao và lặp đi lặp lại như vậy. Thậm chí, một người dùng mạng giấu tên từng chia sẻ trên một diễn đàn trực tuyến rằng anh đã "nuôi sống" gia đình trong 3 tuần nhờ sự hào phóng của McDonald’s.
Anh cho biết: "Nếu bạn nhận được thẻ cào điền kinh hoặc bơi lội, bạn gần như chắc chắn sẽ nhận được Big Mac hay khoai tây chiên miễn phí. Việc ăn McDonald’s gần 1 tháng khiến chúng tôi ngấy đến tận cổ nhưng đã giúp chúng tôi tiết kiệm được nhiều tiền".
Trong một cuộc phỏng vấn sau này trên LA Times, một quản lý cửa hàng McDonald’s chia sẻ: "Với tất cả số huy chương vàng mà Mỹ giành được, chúng tôi đã phải tặng rất nhiều sản phẩm. Đây có lẽ là chiến dịch marketing thành công nhưng gây ra thiệt hại hàng chục triệu USD của McDonald’s".
Sau McDonald’s, hãng Krusty Burger cũng mắc sai lầm tương tự khi tung ra chiến dịch tặng burger khi Mỹ giành huy chương. Việc này khiến chuỗi thiệt hại 44 triệu USD.
Bài học lớn nhất từ chiến dịch marketing tốn kém bậc nhất của McDonald’s là cần nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi tung ra bất kỳ chương trình nào. Họ có thể đã tiết kiệm được nhiều triệu USD nếu để các chuyên gia ước tính số huy chương dự kiến của Mỹ hay giới hạn số lần đổi thưởng trong ngày.
Mặc dù vậy, "thảm họa" năm 1984 không ngăn cản việc McDonald’s tài trợ cho Olympics. Họ vẫn là nhà tài trợ cho sự kiện thể thao hàng đầu thế giới này cho đến cuối năm 2018.
Tuyên bố chính thức từ McDonald’s nêu rõ: "Chúng tôi tự hào về mọi thứ mà mình đạt được với tư cách là nhà tài trợ Olympics. Nhưng là một phần của kế hoạch tăng trưởng toàn cầu, chúng tôi đang xem xét lại tất cả các khía cạnh kinh doanh của mình. Do đó, chúng tôi đã hợp tác với Ủy ban Olympic Quốc tế và đưa ra quyết định dừng hoạt động tài trợ để tập trung vào các ưu tiên khác".
Nguồn: BM