Tại nhiều đề xuất tăng thuế , Bộ Tài chính đã không đánh giá kỹ tác động của chính sách đến đời sống kinh tế - xã hội. Thậm chí có những báo cáo chỉ nói chung chung "không gây tác động lớn".
Tác động không lớn (!?)
Đối với thuế bảo vệ môi trường trong xăng dầu, nếu tăng 1.000 đồng/lít như phương án đã đặt lên bàn Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngân sách có thêm gần 15.000 tỉ đồng chỉ trong chưa đầy nửa năm 2018. Trong khi đó, người sử dụng xăng dầu phải trả thêm khoảng 130.000 đồng/năm. Còn nếu được sửa biểu thuế lên mức cao nhất 8.000 đồng/lít, ngân sách tăng thu khoảng 50.000 tỉ đồng/năm.
Đối với đề xuất tăng thuế thu nhập cá nhân (TNCN), ngân sách mỗi năm chỉ tăng thu khoảng 500 tỉ đồng nhưng lại ảnh hưởng đến hàng triệu lao động lành nghề vì mức nộp thuế từ tiền công, tiền lương nhích lên. Với đề xuất xây dựng Luật Thuế tài sản mới, hàng triệu người dân bắt đầu phải nộp thuế nhà hằng năm cho dù chỉ có một nhà để ở.
Đối với thuế GTGT, Bộ Tài chính khẳng định tăng thuế không ảnh hưởng đến người nghèo vì giá thịt, rau ngoài chợ không thuộc diện chịu thuế này. Nhưng phân tích của các chuyên gia cho thấy nếu đề xuất tăng thuế GTGT của Bộ Tài chính được thông qua thì người nghèo sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất vì nhóm này đang dịch chuyển sang sử dụng nhiều hàng hóa chịu thuế GTGT hơn và tỉ lệ chi tiêu của người nghèo cho các hàng hóa chịu thuế GTGT trên thu nhập cũng cao hơn so với nhóm thu nhập cao. Trong năm 2014, dân cư ở nông thôn chi tiêu cho các mặt hàng chịu thuế GTGT là 49,5% so với mức 39,8% vào năm 2002. Tỉ lệ chi tiêu các mặt hàng chịu thuế GTGT/thu nhập cũng tăng từ 30,5% ở năm 2002 lên 35,1% năm 2014, gần bằng tỉ lệ của dân cư thành thị (35,8%).
Đáng lưu ý là trong một nghiên cứu vừa công bố, Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đã chỉ ra những tính toán của Bộ Tài chính là thiếu cơ sở. Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM, cho rằng theo tính toán của CIEM, tăng thuế nước ngọt chỉ đem lại nguồn thu 2.000 tỉ đồng cho ngân sách, không phải 5.000 tỉ đồng như kỳ vọng của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, những năm sau đó, tăng thuế sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp (DN), làm giảm doanh thu và lợi nhuận, khiến nguồn thu của nhà nước không những không tăng mà giảm 4.000 tỉ đồng.
Còn đâu động lực cơ cấu ngân sách!
Phát biểu chỉ đạo hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước tổ chức đầu năm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý chính sách thuế đang thay đổi quá nhiều, quá nhanh, gây hệ lụy cho sản xuất - kinh doanh, không ít DN bị oan sai do không thể thực thi được chính sách mới. Một trong những nguyên nhân quan trọng là cơ quan xây dựng chính sách thiếu tầm nhìn, chưa lắng nghe ý kiến, tiếp thu ý kiến đóng góp của cộng đồng DN và người dân. Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, khi xây dựng chính sách thuế nói riêng, chính sách tài chính nói chung phải theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phải có sự ổn định từ 5 đến 10 năm.
Nhìn lại tốc độ sửa các luật thuế sẽ thấy sự thay đổi chóng mặt trong những năm gần đây. Trong giai đoạn 2011-2017, không có năm nào không sửa Luật Thuế GTGT; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt được sửa đổi trong các năm 2013, 2014, 2015; Luật Thuế TNCN được sửa đổi trong năm 2013 và 2015. Từ năm 2017, các sắc thuế này tiếp tục được đề xuất thay đổi nhưng đáng lo ngại hơn là theo xu hướng tăng thuế.
GS-TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển, lo ngại giải pháp tăng thuế lúc đầu sẽ giúp ngân sách bớt căng thẳng nhưng lâu dài sẽ có những tác hại rất khó lường. Bởi gánh nặng thuế phí sẽ làm tăng giá cả, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Hơn nữa, việc tăng thuế quá dễ dàng có thể dẫn đến thói quen cứ mỗi khi ngân sách khó khăn, Bộ Tài chính lại có lý do để tăng thuế, phí. Đến lúc nào đó, Bộ Tài chính có thể mất luôn động lực giải bài toán căn cơ hơn là cơ cấu lại thu - chi ngân sách và cắt giảm mạnh chi tiêu. Như vậy, nền kinh tế và người dân phải gánh chịu thiệt thòi.
Các chuyên gia kinh tế nhận định dư địa chính sách không chỉ nằm ở tăng thuế. Bài toán gốc để cơ cấu lại ngân sách nhà nước là cân đối thu - chi. Mặc dù khó khăn nhưng thu ngân sách nhà nước năm nào cũng vượt dự toán song vẫn không đủ bù đắp vì bội chi vượt cao hơn, dẫn đến tình trạng thu không đủ chi, phải đi vay nợ cho cả chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển. "Trong một nền kinh tế khó khăn, chúng ta cần khoan sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc. Đó là thượng sách tạo động lực cho sự phát triển bền vững, không nên chọn phương án khiến người dân phải căng mình đóng thuế. Nguồn gốc nợ công và thâm hụt ngân sách triền miên của Việt Nam không phải do việc huy động nguồn thu thuế thấp trong ngân sách mà chính là do tham nhũng, thất thoát, lãng phí, kỷ luật tài chính không nghiêm, đầu tư sai hoặc đầu tư vì lợi ích nhóm chứ không phải vì cộng đồng, vì sự phát triển" - ông Ngô Trí Long nói.
Chính sách thuế giai đoạn 2011-2020
Hệ thống chính sách thuế giai đoạn 2011-2020 gồm có các loại thuế GTGT; thuế tiêu thụ đặc biệt; thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu; thuế thu nhập DN; thuế TNCN; thuế tài nguyên; thuế sử dụng đất nông nghiệp; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; thuế bảo vệ môi trường và các loại phí, lệ phí. Trong đó, thuế môn bài sẽ được chuyển thành một khoản thu lệ phí quản lý hoạt động kinh doanh hằng năm.
(Nguồn: Tổng cục Thuế)