Sau lễ bàn giao 4 tuyến đã hết hạn trả lãi vay ngân hàng trong dự án 1.680 xe cho liên danh Bảo Yến - HTX số 28 (đơn vị trúng thầu), Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM Võ Khánh Hưng khẳng định việc đấu thầu sẽ tạo động lực cạnh tranh trong hoạt động vận tải, lựa chọn đơn vị có năng lực, quy mô bảo đảm phục vụ tốt nhất cho nhu cầu đi lại của người dân mà giá vé không thay đổi.
Nút thắt đã được gỡ
Theo Sở GTVT TP, liên danh Bảo Yến - HTX số 28 sẽ đảm nhận khai thác 4 tuyến trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày 1-5-2021, giá gói thầu là 130 tỉ đồng, thấp hơn ngân sách trợ giá của TP, trong đó 3 tuyến gồm tuyến số 1, 65 và 152 được đầu tư sử dụng 42 xe mới 100%. Đặc biệt, các chỉ tiêu mời thầu dựa trên Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng dịch vụ (KPI) do chuyên gia của Ngân hàng Thế giới tư vấn theo chương trình cho vay hỗ trợ chính sách phát triển cho ngân sách TP, vốn vay Ngân hàng Thế giới. Bộ tiêu chí với những chỉ tiêu rất chi tiết làm cơ sở thanh toán chi phí trợ giá và xem xét các hình thức thưởng phạt tương ứng, thông qua đó kiểm soát nhà thầu bảo đảm đúng chất lượng dịch vụ theo hợp đồng, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.
Theo ông Võ Khánh Hưng, sau 4 tuyến này, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP đang tổ chức đấu thầu 2 tuyến số 4 và 43 cũng áp dụng Bộ tiêu chí KPI. Ngoài ra, trong năm 2021, sẽ tiếp tục khảo sát phương án tuyến, trình phê duyệt làm cơ sở để đấu thầu tiếp 39 tuyến. "Phải thừa nhận rằng gói thầu đầu tiên thành công sau nhiều năm mời thầu ảm đạm, đã gỡ được nút thắt khá quan trọng, mang yếu tố quyết định. Từ đây, cơ chế đấu thầu là động lực phát huy tính cạnh tranh, giúp lựa chọn được đơn vị có năng lực và quy mô, bảo đảm phục vụ tốt nhất cho nhu cầu đi lại của người dân mà giá vé không thay đổi. Chưa kể sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách của TP" - phó giám đốc Sở GTVT TP nói.
Theo Sở GTVT, ưu điểm của việc đặt hàng là thời gian thực hiện ngắn hơn so với cơ chế đấu thầu, ngoài ra tạo ra sự ổn định, an tâm cho các doanh nghiệp đầu tư xe buýt mới trong quá trình trả lãi vay cho ngân hàng nhưng hình thức này chưa thu hút được các thành phần kinh tế tham gia phát triển mạng lưới xe buýt đồng thời chưa khuyến khích doanh nghiệp nâng cao chất lượng phương tiện, thái độ phục vụ hành khách. Vì vậy, việc đấu thầu là tất yếu và sẽ đẩy nhanh thực hiện. "Bốn tuyến xe buýt được bàn giao cho liên danh Bảo Yến - HTX số 28 sẽ kích thích các doanh nghiệp tham gia đấu thầu những tuyến tiếp theo" - ông Võ Khánh Hưng kỳ vọng.
Đến năm 2023, TP HCM sẽ hoàn tất đấu thầu toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Đến 2023, hoàn tất đấu thầu tất cả các tuyến
Nói về đấu thầu, nhiều doanh nghiệp, HTX xe buýt đều bày tỏ sự ủng hộ. Là đơn vị từng khai thác tuyến xe buýt số 1 và 152, đại diện Sài Gòn bus cho biết cơ chế đấu thầu phù hợp với xu hướng phát triển chung, tuy nhiên giá gói thầu cần nhất là phải sát thực. "Sắp tới khoảng 4 - 5 tuyến xe của Sài Gòn bus hết thời gian khấu hao, tiếp tục được mang ra đấu thầu, nếu giá trị gói thầu hợp lý thì chúng tôi chắc chắn sẽ tham gia" - đại diện Sài Gòn bus khẳng định.
Tuy ủng hộ chủ trương đấu thầu nhưng các doanh nghiệp đầu tư phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch CNG (thống kê toàn TP có khoảng 490 xe) lại có không ít băn khoăn. Bà Tống Thị Thu Thanh, Phó Chủ nhiệm HTX Quyết Thắng - đơn vị có 84 xe nhiên liệu sạch, cho biết 84 xe này sắp hết thời hạn 7 năm được hỗ trợ lãi vay ngân hàng, theo nguyên tắc 2 năm nữa sẽ mang ra đấu thầu. "Thực tế hiện nay nhiều tuyến chạy lỗ, thu không đủ bù chi, xã viên phải vay mượn tiền để trang trải. Nếu đấu thầu không trúng thì 84 phương tiện này sẽ đi đâu. Khác với xe chạy dầu, xe nhiên liệu sạch phải đến đúng trạm để nạp gas mà toàn TP chỉ có 4 trạm nạp. Do đó, rất cần Sở GTVT cũng như Trung tâm Quản lý giao thông công cộng nhìn nhận thực tế, có phương án đấu thầu đối với dòng phương tiện này sao cho vẹn cả đôi đường" - bà Tống Thị Thu Thanh kiến nghị.
Nói về kế hoạch sắp tới, phó giám đốc Sở GTVT TP thông tin việc đấu thầu sẽ chia thành nhiều gói, "có nạc có mỡ", trước mắt sẽ đưa những tuyến xe buýt đã hết thời gian khấu hao hoặc những tuyến xe buýt mở mới, đầu tư mới ra đấu thầu, tiến đến năm 2023 sẽ đấu thầu tất cả các tuyến xe buýt có trợ giá trên địa bàn TP. Ngoài ra, rút kinh nghiệm từ thất bại của những gói thầu triển khai từ nhiều năm trước, tiêu chí đấu thầu lần này với sự tư vấn của chuyên gia Ngân hàng Thế giới có thời hạn gói thầu kéo dài đến 5 năm thay vì 3 năm như trước, có nhiều chỉ tiêu khuyến khích doanh nghiệp nâng cao chất lượng phục vụ, có cơ chế thưởng phạt tương xứng.
Thống kê của Sở GTVT TP HCM cho thấy toàn TP HCM có 127 tuyến xe buýt đang hoạt động, trong đó 90 tuyến xe buýt có trợ giá và được các doanh nghiệp vận tải đảm nhận theo phương thức đặt hàng.