Giải ngân vốn đầu tư công chậm, xử lý trách nhiệm người đứng đầu
Dịp lễ Quốc Khánh mùng 2/9 năm nay chứng kiến nhiều công trình lớn được hoàn thành và chính thức đưa vào sử dụng. Hạ tầng bao giờ cũng phải đi trước một bước, đặt nền móng cho sự phát triển. Tuy vậy, bên cạnh những dự án đang gấp rút được triển khai, đáp ứng tiến độ thì có không ít những dự án đầu tư công đang trì trệ, ách tắc. Hiện chỉ còn 4 tháng nữa để thực hiện giải ngân vốn đầu tư công trong năm nay nhưng tiến độ tới nay còn chưa đạt được đến hơn 50%.
Con số thống kê của Bộ Tài chính được tờ Người Lao động trích dẫn cho thấy, ước giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 8 đạt hơn 212 nghìn tỷ đồng, mới đạt tỷ lệ 35,49% kế hoạch.
Cụ thể, hiện có 35/51 bộ và 20/63 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 35%. Các địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp như TP Hồ Chí Minh (17,1%), Cao Bằng (17,4%), Hà Giang (19,12%), Phú Yên (20,8%), Gia Lai (24,4%)...
Theo Bộ Tài chính, với tổng số vốn năm 2022 là trên 500 nghìn tỷ đồng mà tiến độ như hiện nay thì khó về đích. Bên cạnh đó, tiến độ giải ngân vốn nhanh hay chậm phụ thuộc nhiều vào cách làm của lãnh đạo các địa phương, cũng như vai trò của chủ đầu tư, ban quản lý các dự án.
Gỡ nút thắt giải ngân vốn đầu tư công
Việc giải phóng mặt bằng chậm cũng là nguyên nhân khiến nhiều dự án đầu tư công bị chậm tiến độ nhiều năm. Ảnh minh họa.
Trong nhiều nguyên nhân của giải ngân chậm, báo Quân đội Nhân dân phản ánh câu chuyện của 4 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam hiện chậm 3,7% và cho biết giá vật liệu xây dựng biến động lớn đã gây khó khăn cho chủ đầu tư quản lý giá thành. Do vậy, nhà thầu có tâm lý thi công cầm chừng, chờ giá xuống, làm ảnh hưởng tới tiến độ và kế hoạch giải ngân.
Ngoài ra, việc giải phóng mặt bằng cũng là nguyên nhân khiến nhiều dự án bị chậm tiến độ nhiều năm. Đây là đánh giá của chuyên gia trên báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh khi nói về tốc độ giải ngân chậm của thành phố.
Cụ thể, đối với đầu tư công, một trong những khâu quan trọng nhất là bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư, hỗ trợ người dân. Phải nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để bồi thường thỏa đáng cho người dân. Khu tái định cư phải đảm bảo môi trường sống, môi trường làm việc của người dân. Những vấn đề đó phải được chăm chút từng ly từng tí và phải có sự đồng hành của cả hệ thống chính trị.
Không điều chuyển 932 tỷ đồng từ y tế và an sinh xã hội sang giao thông
Với sự cấp bách của việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong tuần đã diễn ra cuộc họp đột xuất của Ủy ban thường vụ Quốc hội để cho ý kiến về việc giao danh mục và mức vốn cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Trong cuộc họp này, một trong những nội dung thu hút được nhiều ý kiến thảo luận của đại biểu liên quan đến điều chỉnh số vốn 932 tỷ đồng còn dư của lĩnh vực y tế, an sinh xã hội, lao động việc làm sang cho lĩnh vực khác.
Theo báo điện tử vietnamnet, trong 937 tỷ đồng này 802 tỷ đồng của lĩnh vực y tế và 130 tỷ đồng của lĩnh vực an sinh xã hội, lao động, việc làm. Báo cáo các bộ ngành, địa phương cho biết nhu cầu các lĩnh vực này là rất lớn nhưng sau khi rà soát lại các dự án chưa đáp ứng được nguyên tắc, tiêu chí, không có khả năng hoàn thiện thủ tục đầu tư, thực hiện và giải ngân theo quy định. Do vậy Chính phủ đề xuất chuyển sang lĩnh vực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.
Tuy nhiên, báo Đại biểu Nhân dân ghi nhận ý kiến tại phiên họp cho biết, 2/3 dự án giao thông - vận tải được đề xuất cho sử dụng số vốn còn dư của lĩnh vực y tế, an sinh xã hội, lao động việc làm là những dự án chưa khẩn cấp do đó không nên điều chuyển. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, vốn dành cho đầu tư công trình hạ tầng giao thông vận tải bao nhiêu cũng không đủ, trong khi các dự án cho lĩnh vực y tế đang rất cần được triển khai.
Trong số 937 tỷ đồng gọi là "chưa tiêu được" này thì 800 tỷ đồng là của Bộ Y tế. Vậy Bộ Y tế có trả lời như thế nào về việc này?
Thực tế các dự án được phê duyệt phải đáp ứng tiêu chí của Nghị quyết 43 của Quốc hội. Do đó, sau khi rà soát, đến nay Bộ Y tế chỉ chọn được 144 dự án đảm bảo đúng tiêu chí với tổng vốn 13.198 tỷ đồng.
Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh cho biết thêm, các dự án này phải đáp ứng tiêu chí là dùng để đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng, nâng cao năng lực phòng chống dịch bệnh của viện và bệnh viện cấp trung ương gắn với đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế, sản xuất vaccine trong nước và thuốc điều trị COVID-19. Cũng theo bài viết, ngành y hiện vẫn đang khó, khổ và thiếu quá nhiều từ cơ sở vật chất đến trang thiết bị y tế nên vẫn cần đầu tư vào lĩnh vực này.
Cân nhắc nhiều đề xuất và các ý kiến, Ủy ban thường vụ đã ban hành nghị quyết, trong đó không đồng tình với đề xuất điều chuyển 932 tỷ đồng vốn đầu tư công của lĩnh vực y tế, an sinh xã hội, lao động, việc làm sang đầu tư dự án ngành giao thông. Cũng theo Nghị quyết này, gần 3 nghìn tỷ đồng vốn chi đầu tư phát triển của 11 bộ, ngành đã được điều chuyển sang hai ngân hàng chính sách.
Những điều chỉnh trong việc sử dụng vốn đầu tư công sau phiên họp bất thường của Ủy ban thường vụ Quốc hội là cần thiết, thể hiện sự chủ động của chính phủ, đồng hành của Quốc hội trong việc nêu ra bất cập và tìm hướng giải pháp tốt nhất, nhằm tháo gỡ khó khăn để biến đầu tư công thành động lực cho phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.