“Trong thời gian chờ phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh dự án, TP sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan, bộ, ngành, trung ương tích cực tìm kiếm nguồn vốn bổ sung để thanh toán cho nhà thầu và chỉ đạo các đơn vị có liên quan tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân”, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, phát biểu tại buổi kiểm tra thực địa.
Theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, để có thể tăng tốc, đảm bảo lũy kế khối lượng dự án đạt 80% trong năm 2019 theo kế hoạch, cần khoảng 9.500 tỉ đồng bao gồm khoản nợ trả cho các nhà thầu từ 2018 và thi công khối lượng công việc dự kiến tăng thêm năm nay. Sắp tới, TP.HCM sẽ ứng đợt 1 khoảng 2.200 tỉ đồng để ban quản lý thanh toán nốt phần nợ đọng cho nhà thầu để metro Bến Thành - Suối Tiên đạt tiến độ...
Trước đó, Ban Quản lý đã kiến nghị UBND TP.HCM tạm ứng đợt 1 năm 2019 là 2.248 tỷ đồng để thanh toán và tạm ứng 80% cho các nhà thầu đã thực hiện công trình trong năm 2018. Trong năm 2018, UBND TPHCM đã tạm ứng cho dự án 1.000 tỷ đồng. Tính tổng cộng đến nay, UBND TP.HCM đã tạm ứng cho dự án 3.273 tỷ đồng.
Ông Cường cũng cho biết, sau khi Ban quản lý dự án làm việc với nhiều đơn vị tài trợ quốc tế, hầu hết các nhà tài trợ cho hay đều có nguồn cho vay để triển khai các tuyến metro tiếp theo tuyến số 1.
Cụ thể, đại diện Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc cho biết hiện có nguồn 825 triệu USD tài trợ cho các dự án metro số 4 và số 5; Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) sẵn sàng tài trợ đến 900 triệu USD cho tuyến số 2; Ngân hàng Tái thiết Đức đồng ý tài trợ không hoàn lại 6 triệu euro nghiên cứu tuyến metro số 2...
Ban Quản lý dự án cũng đã làm việc với JICA, đơn vị này cho rằng nếu metro số 1 vận hành đúng kế hoạch sẽ tiếp tục tài trợ vốn cho tuyến 3a (Bến Thành - Tân Kiên, kết nối với tuyến số 1).
Theo kế hoạch trong năm 2019 và 2020, sẽ lắp đặt các thiết bị điều hành điện tử tự động, hệ thống camera giám sát hoạt động các đoàn tàu metro... Khu trung tâm điều khiển công trình đã cơ bản hoàn thành bãi đậu tàu có sức chứa 32 đoàn (mỗi đoàn tàu có 6 toa), khu vực xưởng sửa chữa (duy tu bảo dưỡng đầu máy toa xe, các thiết bị cơ điện, hệ thống thông tin, tín hiệu)... cũng đã dần hoàn thành. Khu vực xưởng sửa chữa với diện tích khoảng 21.560m2, trong đó tầng trệt lắp đặt các thiết bị bảo dưỡng đầu máy toa xe, tầng 1 bao gồm phòng huấn luyện, văn phòng và nhà kho, những hạng mục này đều đã hoàn thành xây dựng.
Lãnh đạo TP.HCM đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tư pháp hỗ trợ Ban quản lý Đường sắt đô thị (MAUR) các thủ tục pháp lý của dự án như điều chỉnh dự án, gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng; Sở Tài chính xem xét, tham mưu đề xuất Ủy ban về giải pháp để giải ngân cho các nhà thầu, cơ chế tiền lương cho cán bộ, viên chức, người lao động của MAUR. Sở GTVT, Sở Công Thương, Sở Xây dựng hỗ trợ giải quyết việc thẩm định thiết kế kỹ thuật của dự án.