Tiếp tục hưởng lợi từ dòng vốn đã, đang và tiếp tục chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, đi cùng hạ tầng ngày càng hoàn thiện, chính sách cởi mở hơn… bất động sản khu công nghiệp nước ta năm 2020 dự kiến tiếp tục đà phát triển.
Ghi nhận bởi CBRE, nhu cầu thiết lập các nhà máy tại Việt Nam tăng cao, các khu công nghiệp thuộc các tỉnh, thành phố lớn nhanh chóng được lấp đầy; tương ứng con số trung bình của các khu công nghiệp tại các tỉnh/thành phố lớn phía Bắc và phía Nam lần lượt là hơn 92% và 80% vào cuối năm 2019.
Chưa kể, nhiều khu công nghiệp vẫn chưa đáp ứng kịp nhu cầu hiện nay, toàn ngành vẫn đang trong tình trạng cung không đủ cầu. Theo đó, thị trường bất động sản công nghiệp trở nên sôi động hơn bao giờ hết.
Đặc biệt, giữa đại dịch COVID-19, nhiều ý kiến cho rằng, trong xu thế chung, bất động sản công nghiệp sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, theo nhận định của những người trong cuộc, dịch bệnh không những không tác động nhiều đến ngành mà còn là chất xúc tác tạo đà tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Khi mà, nhu cầu thuê đất khu công nghiệp dự kiến sẽ tiếp tục tăng nhờ vốn đầu tư vào Việt Nam tăng mạnh và chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc.
Chia sẻ với chúng tôi, đại diện KTG Industrial nhận định nhu cầu thuê bất động sản khu công nghiệp vẫn đang tăng trưởng khá tốt. Theo thống kê, tính đến cuối năm 2019, cả nước có 338 khu công nghiệp với 256 đơn vị tập trung tại miền Bắc, miền Nam đạt 82 đơn vị. Tổng diện tích thuê tăng thêm năm qua tại miền Bắc đạt 25%, tại miền Nam tăng 19%, trong đó khu vực tỉnh Đồng Nai thời gian gần đây khá sôi động với tỷ lệ lấp đầy tăng gần 21%.
Riêng với phân khúc nhà xưởng xây sẵn, miền Bắc năm qua ghi nhận đạt 1,6 triệu m2, chỉ số tăng trưởng CAGR giai đoạn 2017-2019 đạt 17%. Tại miền Nam, tổng diện tích trong năm 2019 đạt 2,1 triệu m2, CAGR 3 năm gần đây vào mức 13,3%.
Nhìn chung, bất động sản khu công nghiệp vẫn đang đứng trước tiềm năng tăng trưởng mạnh, đặc biệt tại khu vực phía Nam. Giữa bối cảnh dịch COVID-19, việc hạn chế đi lại có thể gây trở ngại trong các đàm phán, đây cũng là thời điểm các công nghệ kết nối trong cuộc cách mạng 4.0 đang phát huy công dụng. Doanh nghiệp vẫn có thể bán sản phẩm, khách hàng thông qua các thiết bị công nghệ hiện đại, nền tảng thực tế ảo có thể cảm nhận, tham quan được không gian nhà xưởng, từ đó tiến hành đàm phán, thương thảo hợp đồng mua bán.
"Nếu khu công nghiệp theo công nghệ 3.0 là các nhà máy phải lớn, các phân khu đặt gần nhau, quy tụ về một điểm; thì với cách mạng 4.0 bằng những thiết bị trải nghiệm trên nền tảng thế giới ảo rào cản địa lý không còn, các phân khu hiện nay có thể ở những nơi tiện lợi, và toàn bộ nhà máy vẫn có thể kết nối với nhau, việc quản lý cũng được hệ thống hoá, chính xác hơn", vị này nhấn mạnh.
Doanh nghiệp cũng vừa khởi công dự án nhà xưởng xây sẵn giai đoạn 2 – thuộc thế hệ nhà xưởng công nghệ 4.0 – tại khu công nghiệp Nhơn Trạch 3, tỉnh Đồng Nai. Trong đó, với thế hệ nhà xưởng công nghệ 4.0, những tiện ích gia tăng không chỉ từ quản lý, mà còn bao gồm đa dạng tiện ích, giá dịch vụ cũng được tiết giảm đáng kể.
Về KTG Industrial – là mảng phát triển công nghiệp thuộc Tập đoàn KTG, Công ty hiện đang có 60ha quỹ đất gồm 20ha đã xây dựng xong, 18ha đang tiến hành. Công ty đặt kế hoạch tăng quỹ đất gấp đôi lên 110ha trong năm 2020, tập trung tại các vị trí Hà Nam, Hưng Yên… (miền Bắc) và Bình Dương, Long An… (miền Nam).
"Bất động sản khu công nghiệp Việt Nam nếu so với thế giới, hoặc khu vực, chỉ là giai đoạn bắt đầu và còn rất nhiều tiềm năng", đại diện Công ty khẳng định.