Năm 2020 trong bối cảnh đại dịch lại là một năm thành công ngoài mong đợi với CTCP Thế giới số (Digiworld). Trong quý 4, công ty ghi nhận mức doanh thu kỷ lục kể từ khi thành lập, thu về 4.017 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông ty mẹ 85 tỷ đồng. Cả hai chỉ tiêu tăng trưởng 70% so với cùng kỳ.
Quý 4 là ví dụ điển hình phản ánh bộ mặt của Digiworld trong năm qua. Doanh thu cả năm 12.535 tỷ đồng, lãi ròng 253 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 48% và 56%.
Digiworld là nhà cung cấp dịch vụ phát triển thị trường hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực hàng điện tử. Họ phục vụ các khâu từ phân tích thị trường, tiếp thị, bán hàng, hậu cần, cho đến hậu mãi.
Digiworld đứng sau thành công của thương hiệu Xiaomi tại Việt Nam, nhà sản xuất Trung Quốc tiếp tục gia tăng thị phần trong năm vừa qua. Điều này giúp cho doanh thu mảng điện thoại di động của Digiworld tăng trưởng 64%, trong bối cảnh thị trường bão hòa. Hai doanh nghiệp bán lẻ diện thoại di động hàng đầu là CTCP Đầu tư Thế giới Di động (Mobile World) và CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) đều ghi nhận doanh số sụt giảm.
Bên cạnh Xiaomi, thành quả của Digiworld còn đến từ việc bán dòng sản phẩm iPhone 12 của Apple. Nhu cầu tại thị trường Việt Nam với các sản phẩm "táo khuyết" là rất lớn. Theo đại diện của FPT Retail, một trong những nhà phân phối hàng đầu của thương hiệu này nói rằng liên tục bán hết các lô hàng mới về chỉ trong vòng vài tuần lễ.
Dưới tác động của đại dịch khiến làm việc, học tập tại nhà trở nên phổ biến hơn. Lĩnh vực máy tính xách tay và máy tính bảng hưởng lợi từ sự chuyển đổi này. Doanh thu của Digiworld tăng trưởng 46% so với năm trước, vượt 38% kế hoạch. Đóng góp chính đến từ các sản phẩm Macbook của Apple và Huawei.
Máy tính xách tay, máy tính bảng và điện thoại di động đóng góp tỷ trọng chủ yếu vào doanh thu của Digiworld, gần 86%.
Hai lĩnh vực còn lại gồm thiết bị văn phòng đạt 1.536 tỷ đồng trong năm 2020, tăng 12%; hàng tiêu dùng đạt 265 tỷ đồng, tăng 4%. Tuy nhiên, cả hai đều không thể đạt được kế hoạch đặt ra, lần lượt 90% và 53%.
Trong kế hoạch kinh doanh 2021 vừa công bố, Digiworld tiếp tục cho thấy tham vọng của mình. Họ đặt mục tiêu tổng doanh thu 15.200 tỷ đồng, tăng 21%; lợi nhuận ròng 300 tỷ, tăng 19%.
Một đặc điểm trong hoạt động kinh doanh của Digiworld là biên lãi gộp mỏng, duy trì trên 6%. Phát triển thị trường với hàng điện tử có hiệu quả sinh lời thấp hơn đáng kể so với lĩnh vực khác, ví dụ như thực phẩm và hàng tiêu dùng. Nhưng các chỉ số như tỷ suất lợi nhuận ròng, hay ROE đang được cải thiện qua từng năm.
Về cấu trúc vốn, thay vì sử dụng nợ vay, trong năm qua Digiworld tăng cường sử dụng nguồn lực phía người bán, khiến cho các khoản mục phải trả tăng lên.
Tỷ lệ đòn bẩy nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tại thời điểm cuối năm tăng từ 1,6% lên 1,68%. Trong khi đó, tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu giảm từ 67% xuống 55%.
Ở chiều ngược lại, Digiworld cũng cho các khách hàng của mình nợ nhiều hơn, khoản phải thu khách hàng đã tăng gấp đôi từ 550 tỷ đồng lên 1.100 tỷ đồng.
Trong quý 4/2020, số ngày phải thu giảm xuống 21 ngày nhờ việc thắt chặt chính sách công nợ khách hàng. Nhưng Digiworld nói rằng điều này vẫn trong tầm kiểm soát và không làm ảnh hưởng đến doanh thu. Số ngày tồn kho giảm kỷ lục xuống 19 ngày; số ngày phải trả tăng lên 18 ngày.
Nguồn: Digiworld
Digiworld cho biết sức mạnh của công ty với các nhà cung cấp đã cải thiện đều đặn qua các năm. Việc hoạt động kinh doanh tăng trưởng mạnh khiến cho các nhà phân phối như Xiaomi, Apple, Dell, Asus, Acer… tin tưởng vào năng lực bán hàng của công ty hơn, nhờ vậy chính sách công nợ của các nhà cung cấp này cũng được nới lỏng qua từng năm, giúp cải thiện năng lực kiểm soát dòng tiền của Digiworld.
Kết quả kinh doanh ấn tượng của Digiworld giúp giá cổ phiếu công ty tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2020, gấp hơn 4 lần.