Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm, do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày trong phiên họp Chính phủ thường kỳ vừa qua, cho thấy công tác điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội được triển khai đồng bộ, hiệu quả.
"Việc thực hiện mục tiêu kép được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sát sao. Các giải pháp phòng chống dịch được triển khai đồng bộ mạnh mẽ và quyết liệt và cố gắng cao nhất để bảo đảm các hoạt động sản xuất, kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Nhờ đó, dù trong bối cảnh khó khăn, tình hình kinh tế - xã hội trong 5 tháng đầu năm tiếp tục có những chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, lãi suất và tỷ giá ổn định. Sản xuất nông nghiệp và công nghiệp đều đạt kết quả tích cực.
Về vĩ mô, báo cáo của MPI cho biết thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, tín dụng phục hồi, mặt bằng lãi suất cho vay giảm và thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng được bảo đảm.
Thu ngân sách nhà nước 5 tháng đạt 49,7% dự toán, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu có tốc độ tăng cao, 5 tháng ước tăng 33,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Bên cạnh đó, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số được thúc đẩy mạnh mẽ như Chương trình chuyển đổi số quốc gia cho doanh nghiệp Việt Nam với hơn 4.000 doanh nghiệp tiếp cận, thu hút hơn 60 doanh nghiệp, chuyên gia đăng ký đồng hành; thí điểm dịch vụ Mobile Money.
Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế (Moody’s, S&P và Fitch) đồng loạt nâng điểm triển vọng lên tích cực.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đã đưa ra những dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình thực hiện một số chỉ tiêu 6 tháng đầu năm 2021.
Trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tích cực.
Thu ngân sách nhà nước 6 tháng ước đạt 55,5% dự toán, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2020, xấp xỉ so với mức thực hiện cùng kỳ năm 2019. Chi ngân sách nhà nước ước đạt 43% dự toán; giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm ước đạt 34,15% kế hoạch (cùng kỳ đạt 34,85%).
Sản xuất nông nghiệp và công nghiệp tăng trưởng 3% và khoảng 7,8%. Sản lượng sản phẩm các ngành dệt may, gia dày, ô tô có mức tăng tốt. Nhưng sản lượng các sản phẩm điện tử dự báo chỉ đạt mức tăng thấp hoặc giảm.
Tiêu dùng tiếp tục xu hướng phục hồi, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội dự báo tăng khoảng 7,1%. Khu vực dịch vụ dự báo tăng trưởng khoảng 5%.
Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới dự báo tiếp tục xu hướng tăng thấp (khoảng 1,6%) nhưng số vốn đăng ký mới dự báo xu hướng tăng cao (khoảng 34,8%); xu hướng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn ở mức khá cao.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm đạt khoảng 5,8%, thấp hơn 1,31 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản là 7,11% đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP.
Động lực tăng trưởng kinh tế năm 2021 được xác định là đến từ khu vực công nghiệp - xây dựng và khu vực dịch vụ, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến chế tạo, gia tăng đầu tư và mở rộng hoạt động thương mại...
Dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, triển vọng tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm còn nhiều yếu tố rủi ro, thách thức, khả năng lạm phát gia tăng, năng lực nội tại của nền kinh tế thấp, phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Hoạt động của doanh nghiệp dự báo còn khó khăn.
"Việc ứng phó, ngăn chặn, kiểm soát thành công dịch COVID-19 là nhân tố quan trọng, có vai trò quyết định tới ổn định vĩ mô và phục hồi kinh tế trong những tháng cuối năm 2021", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu.
Bộ trưởng Dũng đề nghị Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình để đưa ra quyết sách kịp thời, chính xác, hiệu quả, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, kiên định thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép" và giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và
Người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, các cấp kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về thể chế để huy động mọi nguồn lực phục vụ phát triển đất nước. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi nhất cho sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời tích cực chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, nhất là những lĩnh vực cần sự công khai minh bạch. Và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư đề nghị triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do COVID-19, đặc biệt là người lao động bị mất việc làm và lao động tại các khu công nghiệp.