Dù tăng trưởng GDP năm 2020 chỉ đạt 2,91% (thấp hơn mục tiêu đặt ra là 6,8%) nhưng thu ngân sách năm 2020 vẫn đạt tới 98% dự toán.
Báo cáo của Bộ Tài chính ngày 31/12 cho thấy: Tính đến hết 30/12, thu ngân sách nhà nước đạt 1,45 triệu tỷ đồng, bằng 96% dự toán, tăng 130 nghìn tỷ đồng so với số báo cáo Quốc hội.
Ước thực hiện cả năm 2020, thu ngân sách nhà nước đạt khoảng 1,48 triệu tỷ đồng, đạt 98% (hụt 30,7 nghìn tỷ đồng) so dự toán, tăng 158,5 nghìn tỷ đồng so với số báo cáo Quốc hội.
Trước đó, năm 2020, dự toán thu ngân sách nhà nước Quốc hội quyết định là 1,51 triệu tỷ đồng trên cơ sở dự kiến tăng trưởng kinh tế 6,8%, chỉ số lạm phát không quá 4%, giá dầu thô 60 USD/thùng.
Thu ngân sách vẫn đạt 98% dự toán dù tăng trưởng giảm mạnh. |
Trên cơ sở kết quả thu ngân sách thực tế 9 tháng đầu năm (đạt 64,5% dự toán) và qua thảo luận với các địa phương, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ước thực hiện thu ngân sách nhà nước năm 2020 là 1,32 triệu tỷ đồng, giảm gần 190 nghìn tỷ đồng (-12,5%) so dự toán.
Như vậy, qua báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, có thể thấy dù tăng trưởng GDP năm 2020 chỉ đạt 2,91% (thấp hơn mục tiêu đặt ra là 6,8%) nhưng thu ngân sách năm 2020 vẫn đạt tới 98% dự toán.
Ước tính có 55/63 địa phương thu nội địa vượt dự toán được giao, 8 địa phương không đạt dự toán, bao gồm các địa phương trọng điểm thu như: TP.HCM đạt hơn 90%, Vĩnh Phúc đạt 94,7%, Đà Nẵng đạt 71,7%, Quảng Nam đạt 90%, Quảng Ngãi đạt 74,3% và Khánh Hòa đạt 70,7%.
Không kể thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết thì có 29/63 địa phương vượt dự toán thu cân đối ngân sách địa phương, 34/63 địa phương hụt thu, trong đó nhiều địa phương trọng điểm thu như: Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, TP.HCM.
Bộ Tài chính cho rằng: Trong điều kiện năm 2020 gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 2,91% (thấp hơn nhiều so mục tiêu 6,8%), đồng thời thực hiện gia hạn, hoặc miễn giảm tiền thuế, thuê đất, phí và lệ phí khoảng 128 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân, thì hiệu quả thu ngân sách như trên là rất tích cực.
Ngoài ra, đến ngày 30/12/2020, ngân sách nhà nước đã chi khoảng 18,1 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch và hỗ trợ 12,95 triệu người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Ngân sách Trung ương đã sử dụng gần 12,4/17,5 nghìn tỷ đồng dự phòng để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả bão, mưa lũ và khôi phục sản xuất sau thiên tai, dịch bệnh, đầu tư các dự án khẩn cấp nhằm kịp thời phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai,...
Các địa phương cũng đã chủ động sử dụng khoảng 8.200 tỷ đồng dự phòng, quỹ dự trữ tài chính và nguồn cải cách tiền lương còn dư của địa phương để chi cho công tác phòng chống dịch bệnh và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Một con số tích cực khác được Bộ Tài chính nhắc tới là giải ngân vốn đầu tư công. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư tiến bộ hơn so với năm trước.
Ước tính đến ngày 31/12/2020, chi đầu tư phát triển đạt 82,8% dự toán (tính cả kế hoạch vốn năm 2019 được kéo dài thời gian thực hiện sang năm 2020 và số kế hoạch giao bổ sung trong năm, thì đạt 73,03% kế hoạch được giải ngân năm 2020).
"Phấn đấu đến ngày 31/01/2021, thời điểm cuối cùng khóa sổ hạch toán chi ngân sách năm 2020, tỷ lệ giải ngân đạt khoảng 92-93% dự toán (kể cả số vốn các năm trước chuyển sang năm 2020, thì tỷ lệ giải ngân đạt 85-86%)", Bộ Tài chính cho biết.
Theo Bộ Tài chính, bội chi ngân sách nhà nước năm 2020 được kiểm soát chặt chẽ. Nhờ thu ngân sách nhà nước khả quan hơn và triệt để tiết kiệm các khoản chi , nên bội chi ngân sách ước khoảng 265 nghìn tỷ đồng (tăng 30,3 nghìn tỷ đồng so với dự toán), tương ứng khoảng 4,2%GDP ước thực hiện, trong phạm vi Quốc hội cho phép điều chỉnh (dưới 4,5%GDP). |
Lương Bằng