Thanh khoản eo hẹp, lãi suất lên cao
Theo số liệu Tổng cục thống kê, tính tới thời điểm 20/09/2018, tăng trưởng tín dụng đạt mức 9,52% so với tháng 12/2017, thấp hơn so với cùng kỳ hai năm trước (2016: 10,46%; 2017: 11,02%). Bên cạnh đó, tăng trưởng huy động vốn của các NHTM đạt 9,15%, cũng thấp hơn so với cùng kỳ hai năm trước.
Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, chênh lệch lãi suất huy động-tín dụng là một trong những nguyên nhân dẫn tới hiện tượng thanh khoản hệ thống eo hẹp trong Quý 3/2018. Ngoài ra, việc NHNN bán ra ngoại tệ để bình ổn tỷ giá cũng làm cho tổng phương tiện thanh toán tăng chậm hơn, dẫn tới thanh khoản eo hẹp.
Một hệ quả tất yếu là lãi suất trên thị trường liên ngân hàng bị đẩy lên cao, đặc biệt trong khoảng thời gian từ giữa tháng 8 tới giữa tháng 9. Lãi suất kỳ hạn qua đêm và một tuần nhiều thời điểm đã tiệm cận mức 4,70%, cao hơn khá nhiều cả dịp cận Tết Nguyên đán vừa qua. Sự eo hẹp của thanh khoản hệ thống dẫn tới nhiều ngân hàng thương mạiđã có động thái tăng lãi suất huy động trên thị trường 1. Lãi suất liên ngân hàng chỉ giảm từ giữa tháng 9 và kết thúc Quý 3 ở mức 2,89% và 2,95% lần lượt với kỳ hạn qua đêm và một tuần.
Khó đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 17% năm 2018
Trong Quý 3, Thống đốc NHNN đã ra Chỉ thị 04 với định hướng kiểm soát chặt tín dụng trong các lĩnh vực rủi ro như BĐS hay BOT, và tập trung vào lĩnh vực sản xuất. VEPR cho rằng, động thái siết tín dụng này khiến cho mục tiêu tăng trưởng tín dụng 17% của năm 2018 là khó khả thi khi 9 tháng mới chỉ tăng 9,52%.
Tuy nhiên, đây có thể là việc làm cần thiết để kìm hãm sự tăng trưởng quá nóng trong lĩnh vực như bất động sản cũng như kiểm soát lạm phát. Đồng thời, do tăng trưởng kinh tế nhiều khả năng vượt xa chỉ tiêu 6,5-6,7% Quốc hội đặt ra, các ngân hàng thương mại không còn chịu áp lực phải bơm tiền ra để kích thích nền kinh tế.
Với mức tăng trưởng tích cực 6,88% của Quý 3, nhóm nghiên cứu Kinh tế vĩ mô của VEPR cho rằng nhiều khả năng kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng hơn 6,8% trong năm nay. Tuy nhiên, trong bối cảnh chiến tranh thương mại và chủ nghĩa bảo hộ đang diễn ra, tương lai của nền kinh tế Việt Nam còn rất bất định trước các cú sốc từ thị trường thế giới.
VEPR cũng cho rằng, NHNN cần thận trọng hơn với việc điều tiết cung tiền và tín dụng trong thời gian tới để kiểm soát lạm phát. Bởi mặc dù lạm phát trong năm nay được đánh giá là vẫn nằm trong tầm kiểm soát nhưng vẫn còn lo ngại về lạm phát trong năm 2019 nếu như giá nhiên liệu thế giới tiếp tục ở mức cao đồng thời Việt Nam áp kịch trần thuế môi trường đối với xăng dầu (từ 3000 lên 4000 đồng/lít) kể từ 1/1/2019.