"Hiệu ứng Evergrande" đã và đang gây ra chao đảo trong dư luận khắp toàn cầu khi mà nỗi lo lắng về một "Lehman Brothers thứ 2" có thể lặp lại một lần nữa. Tuy nhiên, trao đổi trong buổi tọa đàm trực tuyến mới đây, ông Huỳnh Minh Tuấn – Giám đốc môi giới hội sở Công ty chứng khoán Mirae Asset đánh giá đây là vấn đề nội bộ của hệ thống tài chính của Trung Quốc và sẽ không bi quan như những nghi ngại của giới đầu tư trong thời gian qua.
Phân tích kỹ hơn, bản chất của quả "bom nợ" Evergrande gồm vay nợ ngân hàng và vay nợ trái phiếu. Và việc tập đoàn này rơi vào khủng hoảng là chủ yếu do việc mất thanh khoản về dòng tiền trong kinh doanh khi không thể bán sản phẩm của mình là nhà ở.
Thực tế, tốc độ phát triển chóng mặt của thị trường bất động sản Trung Quốc đã khiến nhiều doanh nghiệp liên tục vay nợ để xây dựng hàng loạt bất động sản thương mại. Mức tăng quá nóng tạo ra bong bóng bất động sản cho Trung Quốc và sự cố Evergrande được ông Tuấn ví von đơn giản như sự "xì hơi của quả bóng".
Theo ông Tuấn, sẽ không có chuyện "quả bom" Evergrande lập tức phát nổ và sụp đổ mà không có bất kỳ nỗ lực giúp đỡ từ chính quyền và hệ thống các ngân hàng Trung Quốc. Công cuộc thu gọn tài sản để trả nợ và tái cơ cấu các lĩnh vực hoạt động sẽ giúp phục hồi lại hoạt động kinh doanh, từ đó tìm ra lối thoát khỏi bờ vực phá sản. Có thể nhìn thấy điều này khi lật dở lại quá khứ các trường hợp có nét tương đồng như những vụ việc của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai hay Vinashin của Việt Nam.
Nhấn mạnh thêm, ông Bùi Tiến Đức – Chuyên gia tư vấn đầu tư Công ty chứng khoán Mirae Asset cho rằng, việc so sánh hai cơn khủng hoảng Lether Brother và Evergrande này là điều khá khập khiễng. Điểm không tương đồng giữa hai đế chế kinh tế này chính là khối tài sản thuộc sở hữu.
Khủng hoảng Lehman Brother diễn ra khi tài sản của ngân hàng này là các hợp đồng tài chính thông qua chứng khoán hóa các khoản vay nợ, tạo ra đòn bẩy tài chính lớn có quy mô tác động vô cùng rộng tại khắp các lĩnh vực. Trong khi đó, Evergrande đang nắm các bất động sản, dự án xây dựng là các tài sản hữu hình và hoàn toàn có thể đem bán nhằm thu hồi vốn, ảnh hưởng sẽ chủ yếu cục bộ trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc.
GDP quý 3 có thể sẽ âm, PMI ghi nhận mức thấp kỷ lục 13 năm
Quay lại với thị trường chứng khoán Việt Nam, giai đoạn hiện tại là thời điểm giới đầu tư đang chờ đợi hàng loạt tin tức vĩ mô sau khi quý 3 kết thúc. Ông Đức cho biết việc tạo đáy của nền kinh tế trong quý 3 này sẽ gây ra nhịp điều chỉnh ngắn hạn vài phiên cho thị trường. Tuy nhiên, luồng thông tin không tốt này vô hình chung sẽ tạo tín hiệu tích cực cho tương lai, khi mà kỳ vọng của thị trường chứng khoán là giá trị trong tương lai chứ không phải quá khứ.
Đồng quan điểm, ông Tuấn dự phóng GDP quý 3 có khả năng sẽ âm đồng thời chỉ số PMI cũng sẽ ở mức thấp kỷ lục trong vòng 13 năm qua kể từ 2008, gây ra tác động tiêu cực đến tâm lý thị trường chung. Song, áp lực dồn nén trong giai đoạn vừa qua sẽ là đòn bẩy cho sự bùng nổ trong những tháng cuối năm 2021 cũng như sang cả năm 2022. Đặc biệt, khác với 3 lần mở cửa nền kinh tế trở lại trước đó, nền kinh tế Việt Nam sẽ mở cửa trở lại lần thứ 4 với quan điểm "sống chung với COVID" thay vì "zero COVID", bên cạnh đó là tốc độ tiêm chủng vaccine đạt kế hoạch và năng lực đội ngũ y tế đã được nâng cao.
"VN-Index sẽ kiểm định lại ngưỡng hỗ trợ 1.335 điểm sau đó hướng đến vùng 1.375 điểm"
Phân tích sâu về sự vận động thị trường chứng khoán Việt Nam, chuyên gia đến từ Mirae Asset Thanh Bảo đánh giá tâm lý thị trường hiện vẫn khá yếu khi dòng tiền đang tập trung tại nhóm cổ phiếu penny hay midcaps, trong khi các trụ cột vốn hóa lớn chỉ đang giữ nhịp chung cho các chỉ số. Trong tuần giao dịch mới, dự phóng VN-Index tiếp tục sideway và khả năng sẽ có nhịp điều chỉnh để kiểm tra lại ngưỡng hỗ trợ 1.335 điểm, nhịp chỉnh này sẽ là điểm mua vào rất tốt cho nhà đầu tư thay vì việc tháo chạy khỏi thị trường.
Tại kịch bản tích cực sau đó, điểm đỡ sau khi được khẳng định sẽ giúp chỉ số VN-Index phục hồi và di chuyển hướng lên vùng 1.375 điểm. Đối với kịch bản kém tích cực hơn, thị trường để mất ngưỡng hỗ trợ 1.335 điểm, tuy nhiên hiện tại chưa có tín hiệu nào cho thấy khả năng này có thể xảy ra.
Diễn biến VN-Index thời gian qua
Nhận định về các nhóm ngành vốn hóa lớn, ông Bảo đánh giá ngành ngân hàng vẫn đang tại vùng đáy và có dấu hiệu điểm nén chặt dần. Dòng tiền tại nhóm cổ phiếu ngân hàng quốc doanh là khá yếu trong khi tại nhóm ngân hàng tư nhân lại ghi nhận thanh khoản trở lại tích cực hơn. Theo đó, cổ phiếu ngân hàng sẽ tiếp tục xu hướng phân hóa trong thời gian tới và tâm điểm sẽ xoay quanh nhóm tư nhân với các đợt "sóng" của các mã vốn hóa nhỏ có câu chuyện riêng.
Ngành bất động sản đang trong quá trình tích lũy sau khi tạo đỉnh hồi giữa tháng 8/2021. Hiện các chỉ số nhóm này đã tiến dần lại vùng đỉnh cũ, song dòng tiền suy yếu đang làm thiếu đi động lực bứt phá. Mặc dù vẫn đang vận động upside song sẽ cần một số phiên điều chỉnh để giúp nhóm bất động sản phá vỡ đỉnh cũ, đây cũng sẽ những điểm vào thích hợp cho thị trường.
Tương tự, nhóm chứng khoán cũng đang sideway trong vùng tích lũy với thanh khoản ở mức thấp kỷ lục. Chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư nên ưu tiên vị thế chốt lời hoặc nâng mức dừng lỗ trong bối cảnh lực mua suy yếu thì chỉ cần lực bán tăng mạnh sẽ khiến các cổ phiếu chứng khoán nhanh chóng bước vào nhịp điều chỉnh mạnh 7-10%.
Cuối cùng, nhóm cổ phiếu thép đang bước vào quá trình tái tích lũy sau sóng tăng mạnh. Xu hướng trung và dài hạn tại ngành thép vẫn vẫn khả quan, do đó nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục nắm giữ đồng thời tìm điểm vào thích hợp khi quá trình tích lũy kết thúc để bắt đầu vị thế mới.