Theo Bloomberg Economics, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chứng kiến sự giảm tốc mạnh nhất trong năm 2018 kể từ cuộc khủng hoảng tài chính ở 1 thập kỷ trước. Công cụ theo dõi mới GDP của Bloomberg cho thấy tăng trưởng toàn cầu ở mức 2,1% trên cơ sở quy đổi năm theo quý. Mặc dù có khả năng nền kinh tế có thể sẽ tìm thấy một "điểm tựa" vững chắc và tình trạng giảm tốc sẽ không xảy ra, nhưng 2 nhà kinh tế Dan Hanson và Tom Orlik cho biết "rủi ro ở đây là nguyên nhân thúc đẩy sự xuống dốc sẽ tự nó duy trì."
Vậy đâu là những yếu tố đóng góp vào những triển vọng về sự tăng trưởng? Quyết định của Cục Dữ trữ Liên bang (Fed) về việc tạm dừng nâng lãi suất, một thoả thuận thương mại Mỹ - Trung và những "cú shock" gây rung lắc cho cả châu Âu hồi năm 2018 đang dần biến mất là những dấu hiệu cho thấy sự ổn định đang dần tiến đến.
Các ngân hàng trung ương khác cũng đã có những bước đi cụ thể. Tuần trước, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã công bố chương trình kích thích hoạt động tái cấp vốn dài hạn (TLTRO-III) sẽ bắt đầu áp dụng từ tháng 9 năm nay cho tới tháng 3/2021. ECB đưa ra động thái này nhằm hỗ trợ nền kinh tế vượt qua tình trạng yếu kém ở thời điểm hiện tại.
Dẫu vậy, nền kinh tế toàn cầu vẫn chưa thoát khỏi những dấu hiệu của sự giảm tốc. Chỉ báo nhanh được công bố gần đây nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy đà giảm tốc đã diễn ra tại Mỹ, Anh, Canada và khu vực đồng euro nói chung, bao gồm cả Đức và Ý. Tuy nhiên, dấu hiệu ổn định đang xuất hiện ở Trung Quốc.
Dù nhiều dấu hiệu u ám vẫn đang trao trùm, các nhà hoạch định chính sách của ECB lại có quan điểm khá lạc quan, cho biết khu vực đồng euro chỉ đang chứng kiến sự sụt giảm chứ không phải suy thoái. Thành viên Ban điều hành của ECB, Benoit Coeure, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin của Ý: "Chúng tôi vẫn đang nhận thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ, dù không thăng hoa như trước đây. Tình trạng lạm phát sẽ rất lâu nữa mới chạm đến mức mục tiêu mà chúng tôi đưa ra, nhưng rồi nó sẽ đến."
Theo Bloomberg, 2 nhà kinh tế Hanson và Orlik nói thêm rằng: "Đà tăng trưởng mạnh mẽ 'bao trùm' nền kinh tế toàn cầu hồi giữa năm 2017 sẽ không thể kéo dài. Mặc dù vậy, những dấu hiệu giảm tốc từ cuối năm ngoái đã khiến nhiều nhà kinh tế bất ngờ, kể cả chúng tôi."
Gần đây, một vài số liệu kinh tế đã mang đến những dấu hiệu tích cực, dẫu vậy số liệu ở một số lĩnh vực tiêu biểu lại cho thấy sự thất vọng. Doanh số bán lẻ ở Mỹ đã tăng trong tháng 1 sau khi sụt giảm mạnh nhất trong gần 1 thập kỷ vào tháng 12, cụ thể nhu cầu của người tiêu dùng đã tăng 1,1%.
Vào tuần trước, Mỹ cho biết nền kinh tế nước này tạo ra được ít việc làm mới hơn so với 2 năm trước. Tháng vừa rồi, chỉ có khoảng 20.000 việc làm được tạo ra, trong khi con số được dự đoán là 180.000. Có thể rằng nguyên nhân đến từ những yếu tố nhất thời, tuy nhiên sự chênh lệch lớn so với mức dự đoán đến vậy dường như là một minh chứng khác cho thấy nền kinh tế đang dần mất đà.
Tại Đức, sản lượng công nghiệp bất ngờ giảm trong tháng 1, dù những con số tích cực hồi tháng 12 đã xoá nhoà những lo ngại về tình trạng ảm đạm. Một số chỉ số về sản xuất cũng cho thấy đà đi xuống kéo dài và sản lượng cũng chứng kiến sự sụt giảm (tính theo năm) trong 3 tháng liên tiếp.