Báo cáo Tiêu điểm kinh tế Đông Nam Á mới nhất của ICAEW đánh giá kinh tế toàn khu vực Đông Nam Á năm 2019 sẽ giảm nhẹ 0,3 điểm % tăng trưởng, xuống còn 4,8%. Nguyên nhân tăng trưởng xuất khẩu giảm trong bối cảnh bảo hộ mậu dịch gia tăng cũng như nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc giảm. Để thúc đẩy kinh tế khu vực, ICAEW đề cập đến cầu trong nước và lới lỏng chính sách tài khoá.
Theo ICAEW, các nền kinh tế trong khu vực đã có dấu hiệu tăng chậm vì sự suy yếu của các hoạt động kinh tế toàn cầu từ cuối năm 2018. Từ tháng 12/2018, tăng trưởng xuất khẩu hàng hoá trong khu vực đã giảm 2,3% so với cùng kỳ năm trước đó. Đà giảm này diễn ra rộng khắp trong khu vực.
Đến năm 2020, tổ chức này đánh giá GDP của khu vực Đông Nam Á tiếp tục giảm thêm 0,1 điểm %, còn 4,7% do tình hình xuất khẩu tiếp tục gặp khó khăn.
Theo báo cáo mới nhất này, tăng trưởng GDP của Việt Nam dự báo sẽ ở mức 6,7% trong năm 2019 và tiếp tục giảm xuống còn 6,2% vào năm 2020.
Mức tăng trưởng này thấp hơn mức mà Chính phủ Việt Nam đưa ra trước đó, là 6,8%, tuy nhiên, vẫn nằm trong khoảng giới hạn thường được các tổ chức trong nước và quốc tế đưa ra khi dự báo về kinh tế Việt Nam.
Báo cáo của VCBS dự kiến GDP 2019 Việt Nam tăng khoảng 6,6 – 6,8%. Trong đó, đầu tàu tăng trưởng vẫn là các doanh nghiệp FDI lớn với hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá, phục vụ sản xuất. Khu vực dịch vụ và công nghiệp chế biến-chế tạo nhiều khả năng tiếp tục là điểm sáng.
Tỷ lệ lạm phát năm 2019 được dự báo ở mức 4 – 4,5% và chịu tác động đáng kể từ diễn biến giá cả hàng hóa ở mức cao. Dư địa để tiếp tục đẩy lùi lộ trình tăng giá của các dịch vụ công là không nhiều.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thì đưa ra dự báo Việt Nam sẽ tăng 6,8% trong năm 2019.
Nghiên cứu của World Bank cho rằng kinh tế Việt Nam đã chứng tỏ được sự vững vàng dù có nhiều trở lực từ bên ngoài. Tuy nhiên, đi theo xu hướng chung của thế giới, tăng trưởng của nền kinh tế hơn 90 triệu dân sẽ giảm dần ở các năm 2019 – 2020.
GDP Việt Nam được dự báo sẽ giảm dần xuống mức 6,6% và 6,5% trong năm 2019 và 2020.
Tuy nhiên, mọt số tổ chức cũng đánh giá cao kinh tế Việt Nam khi đưa ra những dự báo đầy lạc quan.
Báo cáo triển vọng kinh tế Việt Nam của ANZ dự báo tăng trưởng GDP năm 2019 là 7%. Trong bối cảnh của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, ANZ cho rằng Việt Nam có thể có được những lợi ích nhất định từ cuộc xung đột này, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất khẩu.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, ANZ cho rằng kinh tế Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức như việc cần tập trung đảm bảo lạm phát ở mức mục tiêu, giữ cho tăng trưởng tín dụng không quá mạnh và tăng cường các bảng cân đối của khu vực tài chính.
Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội quốc gia (NCIF) lại đưa ra mức dự báo cao nhiều so với các tính toán thận trọng của nhiều tổ chức khác. mức tăng trưởng theo NCIF sẽ trong khoảng 6,9 – 7,1% trong giai đoạn tiếp theo.