Cần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giai đoạn hậu Covid 19 dựa trên đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số. Đây là ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam năm 2020 thúc đẩy tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo”. Sự kiện do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức sáng 19/1, tại Hà Nội.
Năm 2020, kinh tế thế giới đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Dịch khiến nhiều quốc gia tăng trưởng ở mức âm, cụ thể như Mỹ là -5,9%, Anh -6,5%, EU -7,5%... Tại Việt Nam, do ảnh hưởng từ dịch, nhiều ngành, nghề bị ảnh hưởng nặng nề như ngành dịch vụ, du lịch, vận tải…
Dịch Covid-19 làm suy giảm tiêu dùng, đầu tư, thương mại, tuy nhiên đầu tư nhà nước, xuất- nhập khẩu khu vực kinh tế trong nước đã có sự gia tăng mạnh mẽ, bù đắp phần nào sự suy giảm trong tổng cầu do đầu tư khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và xuất khẩu khu vực này gây ra.
Cùng với đó, với sự điều hành của Chính phủ trong thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nước ta là một trong số nước hiếm hoi đạt tốc độ tăng trưởng dương 2,91%.
PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam nêu rõ, với các nỗ lực hỗ trợ của Chính phủ về kinh tế, an sinh xã hội đối với doanh nghiệp, người lao động và con người, điều này đã góp phần đưa tăng trưởng kinh tế năm 2020 ở mức cao nhất có thể trong bối cảnh do đại dịch gây ra.
“Năm 2021 là năm khởi đầu của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2020, và chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030. Vì vậy, năm 2021 là năm có ý nghĩa to lớn đối với phát triển kinh tế cho các năm tiếp theo. Do đó, việc đánh giá tình hình kinh tế Việt Nam năm 2020 có vai trò quan trọng, để rút ra những bài học kinh nghiệm cho năm 2021 và cho cả giai đoạn tiếp theo, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh, chất lượng và bền vững”, PGS.TS. Bùi Nhật Quang phân tích.
Theo các chuyên gia, việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giai đoạn “hậu Covid-19”, cần dựa trên đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số. Yêu cầu đặt ra trong bối cảnh hiện nay là Nhà nước và Chính phủ cần có những hỗ trợ “đủ liều”, đủ dài sau khi dịch chấm dứt hẳn đối với các doanh nghiệp công nghệ số và các nhóm khác nhau. Do đó, các gói hỗ trợ và việc thực thi phải tính đến đúng mức, cần chuyển đổi từ hỗ trợ mang tính truyền thống sang hỗ trợ có tính chuyên biệt về Covid-19 để tăng tính hiệu quả...
Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 trên thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, nhưng những dấu hiệu tích cực đang dần sáng rõ khi mà vaccine phòng ngừa Covid-19 đã được tiêm phòng tại một số quốc gia… Đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2021 được nhóm nghiên cứu của Viện Kinh tế Việt Nam đưa ra 3 kịch bản. Theo đó, đối với mức kịch bản cơ sở, dự báo kinh tế đất nước sẽ đạt 5,49%; mức kịch bản thấp là 3,48% và ở kịch bản cao là 6,9%.
Ông Lý Đại Hùng, Phòng Kinh tế vĩ mô và Thể chế kinh tế, Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, năm 2021 Việt Nam bắt đầu thực hiện chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn 5 năm, 10 năm, cho nên đây là thời điểm rất quan trọng đối với nền kinh tế. “Dựa trên mô hình phân tích ứng dụng vào dự báo, chúng tôi đưa ra 3 kịch bản dự báo, trong đó nhấn mạnh đến kịch bản cơ sở Việt Nam có thể tăng với tốc độ 5,49% vào năm 2021 và đây là kết quả chung nhất”, ông Hùng nêu quan điểm.
Một số chuyên gia nhận định, Việt Nam đang ở nhóm tăng trưởng cao nhất, đối với các điểm nghẽn của nền kinh tế phải được tập trung tháo gỡ một cách quyết liệt. Phải có đổi mới tư duy và đổi mới thể chế chính sách theo hướng tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích mạnh mẽ và huy động sự tham gia của khu vực ngoài nhà nước. Phát triển cũng như huy động được nguồn lực cần thiết cho đầu tư vào khoa học, công nghệ và để mới sáng tạo, trong đó cần có những thử nghiệm đột phá về thể chế, chính sách.