Là tập đoàn lớn tại Đông Nam Á hoạt động trong 3 lĩnh vực chính gồm (i) xi măng - vật liệu xây dựng, (ii) hóa dầu và (iii) bao bì, Tập đoàn Thái Lan - SCG – đã sớm sang Việt Nam từ năm 1992 và đang từng bước mở rộng đầu tư vào các doanh nghiệp trong ngành. Đặc biệt vào tháng 6/2018, SCG đã ký thỏa thuận mua lại 29% cổ phần của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petro Vietnam) trong dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam (Dự án Long Sơn), tăng vốn sở hữu từ 71% lên 100%. Đến tháng 8/2018, Tập đoàn đã vay 3,2 tỷ USD 6 tổ chức tài chính để thực hiện dự án này.
Năm 2018 thu hơn 1,3 tỷ USD tại Việt Nam, tăng trưởng gấp 3 lần toàn Tập đoàn
Hiện, SCG Việt Nam có 23 công ty đang hoạt động kinh doanh với hơn 8.000 nhân viên, doanh thu hàng năm từ Việt Nam đạt hàng chục tỷ đồng. Đặc biệt, năm 2018 doanh thu bán hàng của SCG tại Việt Nam tăng 20%, cao gấp hơn ba lần mức tăng chung của cả Tập đoàn, đạt 31.000 tỷ đồng.
Tính đến 30/6/2019, SCG tại Việt Nam sở hữu giá trị tài sản lên tới 55.753 tỷ đồng (tương đương 2.392 tỷ USD). Trong đó, tổng doanh thu bán hàng quý 2/2019 đạt 7.897 tỷ (339 triệu USD), bao gồm doanh thu bán hàng từ các công ty thành viên tại Việt Nam và doanh số nhập khẩu từ Thái Lan. Luỹ kế nửa đầu năm 2019, con số doanh thu đạt 14.654 tỷ đồng, tương đương 632 triệu USD.
Không dừng lại ở Việt Nam, SCG cũng đầu tư mạnh ở các nước trong khu vực. Ghi nhận, tính riêng hoạt động của SCG tại khu vực Asean (ngoại trừ Thái Lan), doanh thu bán hàng quý 2/2019 đạt mức 20.660 tỷ đồng (887 triệu USD), chiếm 25% tổng doanh thu bán hàng của tập đoàn. Tính đến nửa đầu năm nay, tổng tài sản của SCG đạt mức 468.985 tỷ đồng (tương đương 20.125 tỉ USD), trong đó tổng tài sản của SCG tại Asean (ngoại trừ Thái Lan) đạt mức 157.052 tỷ đồng (6,739 tỷ USD), chiếm 33% tổng tài sản hợp nhất của SCG.
Giá trị nền kinh tế tuần hoàn toàn cầu lên đến 4.500 tỷ USD vào năm 2030
Lượng khai thác lớn hằng năm tại Việt Nam, SCG tất yếu và đang hướng đến mô hình kinh tế tuần hoàn, thông qua sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên trong toàn chuỗi giá trị, từ sản xuất tới tiêu dùng và quá trình phục hồi.
"Tuy nhiên, việc thực hiện thành công nền kinh tế tuần hoàn phải song song sự kết hợp giữa hai bên, Chính phủ sở tại cũng như các doanh nghiệp trong ngoài. Với sự hợp tác của tất cả các bên, Thái Lan và khu vực Asean trong đó có Việt Nam - nơi đang thực hiện nhiều dự án đầu tư lớn của SCG sẽ cùng bước vào hành trình áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn hướng đến mục tiêu phát triển bền vững" - ông Roongrote Rangsiyopash - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành SCG chia sẻ.
Với sự chung tay từ 44 đối tác - bao gồm 5 tổ chức toàn cầu, 3 cơ quan chính phủ, 28 doanh nghiệp, 8 trường học và cộng đồng – để tạo nên các mô hình tuân thủ các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn để tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, và giải quyết các vấn đề lãng phí trong toàn dây chuyền hoạt động; năm 2018, SCG đã chuyển đổi khoảng 313.000 tấn chất thải công nghiệp mỗi năm thành nguyên liệu thô tái tạo và biến 131.000 tấn chất thải công nghiệp mỗi năm thành nhiên liệu thay thế.
Năm 2019, SCG đã và đang tiếp tục tích hợp các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn vào sản xuất sản phẩm và đặt mục tiêu giảm sản xuất nhựa sử dụng một lần từ 46% xuống 20% vào năm 2025 và tăng tỷ lệ nhựa tái chế, tái sử dụng và phân hủy sinh học lên 100% đến năm 2025.
Sản phẩm làm từ nguyên liệu tái sử dụng.
Sản phẩm làm từ bao xi măng.
Nói về tầm quan trọng của mô hình kinh tế tuần hoàn với khu vực Asean, Chủ tịch kiêm CEO Hội đồng doanh nghiệp phát triển bền vững thế giới - ông Peter Bakker cho biết Asean là khu vực gặp nhiều thách thức vì các nền kinh tế tại đây đang trong giai đoạn phát triển. Khu vực này cũng là trung tâm sản xuất để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thế giới. Do đó, ứng dụng thành công nền kinh tế tuần hoàn có thể thúc đẩy sử dụng các sản phẩm và dịch vụ công nghệ cao, từ đó tối ưu hoá việc sử dụng các nguồn tài nguyên.
Ứng dụng này sẽ giúp giảm chi phí điều hành doanh nghiệp, tăng khả năng cạnh tranh và đưa tới cơ hội phát triển toàn cầu trị giá tới 4.500 tỷ USD vào năm 2030 (theo Hướng dẫn thực hành kinh tế tuần hoàn cho CEO, WBCSD).
Về phía Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiêm Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam nhấn mạnh, trong thời gian tới, VCCI hướng đến hỗ trợ người dân Việt Nam triển khai thực hiện mô hình tuần hoàn khép kín vì một nền kinh tế phi phát thải, tạo thêm nhiều cơ hội nghề nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân cũng như nắm bắt được cơ hội kinh doanh trị giá khoảng 4.500 tỷ USD do nền kinh tế tuần hoàn khép kín mang lại cho toàn thế giới.