Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Liên bang Nga V. V. Putin sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 19-20/6/2024. Chuyến thăm có ý nghĩa hết sức quan trọng, đó là làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga trên tất cả các lĩnh vực và nâng tầm lên trong tình hình mới, đặc biệt trong bối cảnh hai nước đang nỗ lực hiện thực hóa Tuyên bố chung về Tầm nhìn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đến năm 2030.
Chuyến thăm thể hiện sự tin cậy, coi trọng lẫn nhau và diễn ra ngay đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Putin và là dịp nối lại đối thoại, tiếp xúc cấp cao để thực hiện các thỏa thuận song phương, trong điều kiện chính trị thế giới có nhiều biến động phức tạp, tác động trực tiếp đến Nga rất lớn.
Măc dù phải đối mặt với những lệnh trừng phạt kéo dài từ phương Tây do xung đột ở Ukraine, năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 thế giới chứng kiến sự phát triển đáng chú ý của nền kinh tế Nga qua các chỉ số kinh tế chính.
Năm 2023, GDP của Nga đã đạt mức tăng trưởng 3,6%, sự hồi phục mạnh mẽ sau đợt suy thoái do dịch COVID-19 và các lệnh trừng phạt kinh tế từ phương Tây. Sản xuất dầu mỏ và khí đốt vẫn là động lực chính đằng sau sự phát triển này, với sự gia tăng sản lượng xuất khẩu trong bối cảnh giá dầu tăng mạnh.
Năm 2024, dự báo GDP của Nga sẽ tiếp tục tăng trưởng 2,3%, mặc dù có sự chậm lại so với năm trước do giảm đà tăng trưởng của ngành dầu khí và sự ảnh hưởng từ các biện pháp trừng phạt quốc tế vẫn còn tồn tại.
Các chỉ số kinh tế khác của Nga cũng cho thấy sự phát triển tích cực. Lạm phát ổn định ở mức khoảng 5,1% trong năm 2023 và dự kiến giảm xuống 4,5% vào năm 2024, nhờ vào các biện pháp kiểm soát chính sách tiền tệ và tài khóa hiệu quả.
Bộ Tài chính Nga cho biết, trong tháng 5/2024, ngân sách Liên bang ghi nhận thặng dư lần đầu tiên trong một năm qua, khi thu đạt 2.600 tỷ ruble (29 tỷ USD) và chi 2.100 tỷ ruble. Theo Bộ Tài chính, trong 5 tháng đầu năm, thu ngân sách nước này đã tăng 45,5% so với cùng kỳ năm trước và đạt 14.290 tỷ ruble, trong đó, ngân sách của Nga từ dầu khí đã đạt 4,95 nghìn tỷ Ruble (tương đương với 55,7 tỷ USD) trong 5 tháng đầu năm. Doanh thu phi dầu khí của Nga trong giai đoạn 5 tháng đầu năm 2024 cũng tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuần trước, CEO Herman Gref của Sberbank - ngân hàng lớn nhất Nga về giá trị tài sản - nói rằng, nền kinh tế nước này “đang quá nóng, một cách chắn chắn và mạnh mẽ”. Nhận định này được ông Gref đưa ra khi ông phát biểu tại Quốc hội Nga.
Ông nói rằng, công suất hiệu dụng của các nhà máy sản xuất công nghiệp ở Moscow đang ở mức cao lịch sử 84%, đồng thời cho rằng, việc vượt qua ngưỡng công suất này và sản xuất thêm hàng hoá hoàn toàn là điều không thể.
"Nếu nhìn vào những con số thống kê, có thể thấy, nền kinh tế vững vàng một cách đáng ngạc nhiên trong bối cảnh bị bao vây bởi các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ của phương Tây. Năm ngoái, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nước này tăng trưởng 3,6%", CEO Sberbank nhấn mạnh.
So với các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc và EU, Nga vẫn chỉ đứng ở vị trí thứ 11 trong danh sách các nền kinh tế lớn nhất thế giới (xếp hạng theo GDP). Dù không nằm trong top 10 nhưng Nga có vị trí quan trọng trong ngành năng lượng và hàng hóa thô, đóng góp quan trọng vào thị trường toàn cầu.
So với Mỹ và Trung Quốc - hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, nền kinh tế Nga vẫn được coi là đang trong quá trình hồi phục và phát triển từ mức độ suy thoái trước đây. Năm 2023, GDP của Mỹ và Trung Quốc đều có mức tăng trưởng lớn hơn so với Nga, với Mỹ đạt 6.9% và Trung Quốc đạt 5,6%. Dù vậy, mức tăng trưởng của Nga là 3,6% cũng cho thấy sự cải thiện rõ rệt so với các năm trước đó.
Về lạm phát: Mỹ và Trung Quốc đều đang đối mặt với áp lực lạm phát cao hơn so với Nga, điều này có thể là một lợi thế cho Nga trong việc duy trì sự ổn định kinh tế và thu hút đầu tư.
Sản xuất và xuất khẩu: Trung Quốc tiếp tục là nền kinh tế dẫn đầu về sản xuất công nghiệp và xuất khẩu, trong khi Mỹ có sự đa dạng hóa ngành công nghiệp và dịch vụ. Tuy nhiên trong những năm qua, Trung Quốc cũng là một đối tác vô cùng quan trọng đối với Nga trong hợp tác trao đổi hàng hóa, đóng góp không nhỏ vào sự phục hồi của nền kinh tế Nga trong giai đoạn này.
Trước đó, TASS cũng dẫn tuyên bố của Tổng thống Putin vào tháng 2/2024 cho biết: "Hiện Nga là nền kinh tế lớn nhất ở châu Âu xét về GDP, tính theo sức mua tương đương, và đứng thứ 5 trên thế giới. Tốc độ và quan trọng nhất là chất lượng tăng trưởng cho phép Nga hy vọng và thậm chí khẳng định rằng trong tương lai gần, chúng ta sẽ có thể tiến thêm bước nữa, trở thành một trong 4 cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới".
Mặc dù vẫn còn nhiều thách thức và rủi ro, nền kinh tế Nga đã và đang chứng tỏ sự khả năng phục hồi và sự phát triển bền vững, nhờ vào các nỗ lực tái cơ cấu và điều chỉnh chính sách kinh tế. Việc tiếp tục mở rộng hợp tác kinh tế với các đối tác quốc tế và nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ là yếu tố quan trọng giúp Nga duy trì và phát triển ổn định trong tương lai.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế hồi tháng 4 cho biết nền kinh tế Nga dự kiến sẽ tăng trưởng 2,3% vào năm 2024, nhanh hơn tất cả các nền kinh tế tiên tiến trong năm nay. Bất chấp lệnh trừng phạt chưa từng có của các nước phương Tây, kinh tế Nga không những duy trì tăng trưởng ổn định mà còn vượt xa tốc độ tăng trưởng trung bình toàn cầu.
Một trong những hậu quả không lường trước của các biện pháp trừng phạt, và đặc biệt là các biện pháp tự trừng phạt của các công ty đa quốc gia làm việc ở Nga, là sự ra đi của họ đã mở ra những cơ hội lớn trong nhiều lĩnh vực khác nhau mà các quốc gia khác đã vui vẻ bước chân vào. Rõ ràng nhất là lĩnh vực ô tô, có lẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các lệnh trừng phạt và đã chững lại vào mùa hè năm 2022. Tuy nhiên, theo báo cáo của bne IntelliNews, thị trường ô tô gần như đã phục hồi hoàn toàn vào tháng 4, khi Trung Quốc bước vào một cách gọn gàng.
Theo ước tính của Trường Kinh tế Kyiv, kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, hơn 1.600 công ty xuyên quốc gia đã đình chỉ hoạt động hoặc rời khỏi Nga. Báo cáo gần đây của bne IntelliNews cũng cho biết, chỉ có 666 công ty có thể được coi là đã thực sự ra đi, tức là bị thanh lý hoặc bán. Sự tăng trưởng vào năm 2023 là do những công ty còn lại đã chuyển sang chủ sở hữu mới. Các công ty Nga ngay sau đó đã bước chân vào mọi ngóc ngách, thúc đẩy sự bùng nổ đầu tư. Điều đó có nghĩa là lợi nhuận trước đây vốn thuộc về các công ty đa quốc giagiờ đây đều nằm ở Nga và đang được tái đầu tư vào việc mở rộng nhanh chóng.
Trong nhiều thập kỷ, phô mai nhập khẩu từ châu Âu vẫn rẻ hơn rất nhiều so với việc Nga tự sản xuất phô mai. Tuy nhiên sau khi Điện Kremlin áp dụng các biện pháp trừng phạt nông nghiệp ăn miếng trả miếng đối với hàng nhập khẩu của châu Âu vào năm 2014 sau khi sáp nhập Crimea, phô mai Pháp và Thụy Sĩ đã biến mất khỏi kệ siêu thị Nga chỉ sau một đêm. Phải mất khoảng hai năm, ngành công nghiệp sản xuất pho mát nội địa của Nga mới phát triển để đáp ứng nhu cầu. Kể từ đó Điện Kremlin đã đổ tiền vào lĩnh vực nông nghiệp và sản xuất lương thực để biến Nga thành một cường quốc nông nghiệp .
Các biện pháp trừng phạt năm 2022 còn khắc nghiệt hơn nhiều, tạo ra những cơ hội tương tự cho các sản phẩm nói chung và các doanh nhân Nga lại đang vươn lên trước thách thức.
Một vòng tròn tích cực mà nền kinh tế Nga đang vẽ ra chính là nhà nước chi càng nhiều tiền cho các chiến dịch quân sự, thì tiền sẽ càng đổ về nền kinh tế này, miễn là nhà nước tiếp tục duy trì thặng dư tài khoản vãng lai lành mạnh nhờ xuất khẩu dầu. Mặc dù vòng tròn tích cực bây giờ không còn mạnh mẽ như giai đoạn trước, nhưng nó có thể sẽ tiếp tục vận hành, miễn là giá dầu vẫn ở mức cao.
Những tháng gần đây, doanh thu từ dầu khí của Nga đã tăng lên rõ rệt so với cùng kỳ năm 2023, trước khi Nga cố gắng tìm cách "lách" các lệnh trừng phạt và tìm kiếm những người mua sẵn sàng mạo hiểm mua những sản phẩm dầu thô và tinh chế của quốc gia này. Theo dữ liệu mới nhất từ Bộ Tài chính Nga, doanh thu của ngành dầu khí trong 5 tháng đầu năm 2024 tăng 73,5% so với cùng kỳ năm 2023.