Tăng trưởng GDP cả năm đạt 7,5%-8%: Mục tiêu trong khả năng
Trả lời phỏng vấn của Báo Điện tử Chính phủ, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định sự tăng trưởng GDP tích cực ngoài mong đợi khẳng định chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và tinh thần đồng lòng, đồng thuận của người dân, doanh nghiệp.
"Đây là minh chứng thuyết phục cho thấy nền kinh tế đang đà "bật dậy" và "vững vàng" trong sóng gió", bà Hương nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê
Trong mức tăng trưởng cao của quý III/2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,24%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 12,91%; khu vực dịch vụ tăng 18,86%.
Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 10,69%. Bên cạnh đó, khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, nay đã khôi phục. Đáng chú ý, một số ngành còn vượt qua quy mô của năm 2019 (năm trước đại dịch). Một số ngành có mức tăng trưởng quý III hơn 20% như: Bán buôn bán lẻ, vận tải. Chỉ còn một số ngành dù đã phục hồi mạnh mẽ nhưng vẫn thấp hơn quy mô của năm 2019, đơn cử như dịch vụ ăn uống; hoạt động hành chính, dịch vụ hỗ trợ; hoạt động dịch vụ khác.
Tính riêng 9 tháng, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99% (đóng góp 4,04%); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,44% (đóng góp 41,79%).
Trong đó, nông nghiệp vẫn đóng vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và đời sống nhân dân. Nguồn cung về lương thực, thực phẩm dồi dào, phục vụ tốt cho xuất khẩu cũng như đóng góp và việc bảo đảm an ninh lương thực.
Nhận định "bức tranh" kinh tế hết sức tích cực, bà Nguyễn Thị Hương dự báo từ nay đến cuối năm 2022, bối cảnh kinh tế sẽ không quá nặng nề vì chúng ta có thể tiếp tục duy trì một số nền tảng và dư địa phát triển của 3 tháng vừa qua. Đặc biệt, các gói đầu tư phục hồi bắt đầu được triển khai mạnh mẽ, tăng tốc trong quý IV, cùng với các hoạt động về nông nghiệp, chế biến chế tạo cũng như các ngành dịch vụ vẫn có dư địa để tăng trưởng sẽ là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế trong thời gian còn lại của năm.
Bên cạnh những tín hiệu tích cực, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng nêu ra nhiều thách thức. Mọi biến động trên thế giới rất khó lường cùng những ảnh hưởng trong thời gian tiếp theo, đặc biệt là địa chính trị, thiên tai, bão lũ,… sẽ làm suy giảm cầu của thế giới, từ đó có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu; tác động trực tiếp và gián tiếp đến hoạt động sản xuất của người dân, doanh nghiệp.
Đồng thời, giá xăng dầu, năng lượng, một số nguyên liệu đầu vào trên thế giới sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất. Sự thay đổi, áp lực của tỉ giá quốc tế cũng tác động đến lãi suất, tỉ giá ở Việt Nam, tạo áp lực cho đầu vào của sản xuất trong nước, từ đó sản phẩm đầu ra có khả năng tăng giá.
"Tuy nhiên, sự linh hoạt trong điều hành và đồng thuận của người dân, nền kinh tế sẽ tiếp tục củng cố, nâng cao khả năng chống chịu, khai thác nội lực, kết nối với thế giới và duy trì khả năng sản xuất cũng như xuất khẩu. Mức tăng trưởng từ 7,5%-8% trong năm 2022 có thể đạt được", bà Nguyễn Thị Hương nói.
Ưu tiên "gỡ khó" cho doanh nghiệp để tạo động lực tăng trưởng
Bên cạnh những điểm sáng và tín hiệu tích cực của nền kinh tế, chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm đồng quan điểm với bà Nguyễn Thị Hương về khả năng xuất khẩu sẽ "vất vả" trong quý IV.
Theo ông Lâm, hiện nay một số đối tác xuất khẩu chính của Việt Nam có dấu hiệu kinh tế suy thoái và sử dụng chính sách tiền tệ để nâng lãi suất, tổng cầu sẽ thu hẹp lại, gây khó khăn cho xuất khẩu của Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm.
Đặc biệt, nhìn vào bức tranh kinh tế 9 tháng, ông Lâm cho rằng khu vực doanh nghiệp gặp khó, thể hiện ở con số hơn 112.000 doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất kinh doanh để chờ giải thể. Như vậy, bình quân cứ 10 doanh nghiệp mới tham gia và quay trở lại thị trường thì có 7 doanh nghiệp rút lui.
Theo một khảo sát mới đây, doanh nghiệp đang đối mặt với 5 nhóm khó khăn: (1) Nguyên nhiên vật liệu và chi phí logistics cao. Thời gian gần đây, do suy giảm kinh tế của các nước, chi phí logistics giảm, giá vận tải giảm nhưng giá nguyên vật liệu vẫn cao; (2) Thiếu hụt về nhân công; (3) Khó khăn về vốn, tài chính; (4) nhóm doanh nghiệp đầu tư nước ngoài làm hàng xuất khẩu thiếu linh kiện; (5) rào cản về thể chế, môi trường kinh doanh.
Điều tra số liệu sản xuất kinh doanh của Tổng cục thống kê cũng chỉ ra rằng, trong quý II và III, doanh nghiệp rất khó khăn về tài chính. Quý II có khoảng 31% và quý III có khoảng 30% doanh nghiệp trả lời gặp khó khăn về vốn.
Cũng theo điều tra, 50% doanh nghiệp trả lời là nhiều vướng mắc khi tìm cách cạnh tranh, ngay cả đối với thị trường trong nước.
"Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp thì mới củng cố và tạo ra nhiều động lực mới cho tăng trưởng", chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.