Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, 6 tháng đầu năm 2021, người dân đã gửi ròng thêm hơn 150.000 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng, tương đương tăng 2,94% so với đầu năm lên mức hơn 5,3 triệu tỷ đồng.
Trước đó, 6 tháng đầu năm 2019, 2020, người dân đã gửi ròng lần lượt là 348.400 tỷ và 245.850 tỷ đồng vào các ngân hàng.
Mức tăng trưởng tiền gửi dân cư 6 tháng đầu năm 2021 cũng là mức thấp nhất so với cùng kỳ trong lịch sử dữ liệu thống kê được công bố từ năm 2012 đến nay.
Bất chấp việc tiền gửi của dân cư tăng chậm lại, các nhà băng vẫn tiếp tục giảm lãi suất huy động trong những tháng gần đây.
Trong tháng 8, loạt ngân hàng đã công bố biểu lãi suất mới, mức giảm phổ biến là ,1-0,3%/năm, thậm chí có nơi giảm 0,4-0,5%/năm. Theo đó, mặt bằng lãi suất hiện nay đã xuống thấp nhất trong 2 thập kỷ.
Chẳng hạn, Sacombank giảm 0,2-0,4%/năm ở một số kỳ hạn dưới 1 năm, giảm 0,2-0,3%/năm đối với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Theo đó, lãi suất tiết kiệm cao nhất tại nhà băng này đã xuống dưới 6%/năm.
"Ông lớn" ngân hàng cũng có động thái điều chỉnh lãi suất. Trong đó, BIDV và Agribank giảm nhẹ 0,1%/năm ở các kỳ hạn dài từ 12 tháng đến 36 tháng xuống còn 5,5%/năm.
Ở kỳ hạn 12 tháng, hiện người dân khó có thể chọn ra được một ngân hàng lớn có lãi suất từ 6%/năm trở lên. Trong khi đó, chỉ cách đây 2 năm, mức lãi suất 7-7,5%/năm rất phổ biến.
Động thái tiếp tục giảm lãi suất tiền gửi với khách hàng cá nhân cũng cho thấy dường như các nhà băng không hề gặp áp lực huy động, dù tiền gửi dân cư đã tăng rất chậm thời gian qua. Và trước sức hấp dẫn của các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản,…dòng tiền nhàn rỗi của dân cư tiếp tục rời kênh tiết kiệm ngân hàng.
Trên thực tế, dù tiền gửi dân cư tăng chậm kỷ lục, tiền gửi của doanh nghiệp lại có tăng trưởng ấn tượng. 6 tháng đầu năm 2021, tiền gửi của doanh nghiệp đã tăng 4,78%, tương đương tăng hơn 230.000 tỷ đồng và vượt mốc 5,1 triệu tỷ. So với đầu năm 2020 – tức từ khi đại dịch xảy ra, tiền gửi của doanh nghiệp vào các nhà băng đã tăng tới 29%.
Nhiều chủ doanh nghiệp cho biết, trong bối cảnh hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn, họ ưa thích gửi tiền vào ngân hàng, vừa có lãi, an toàn lại thanh khoản cao. Ngay khi nền kinh tế phục hồi, việc kinh doanh thuận lợi hơn, họ sẽ có sẵn vốn để tập trung sản xuất trở lại. Trong khi người dân có xu hướng rút tiền tiết kiệm để đầu tư vào chứng khoán, bất động sản, trái phiếu thì đa số doanh nghiệp tỏ ra cẩn trọng, họ cho rằng mang tiền đầu tư vào các lĩnh vực không phải thế mạnh sẽ rất rủi ro trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay.
Trên thực tế, thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng đã trở lại trạng thái dư thừa trong vài tháng gần đây. Một phần do tín dụng đầu ra bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, một phần do lượng tiền được NHNN bơm lại hệ thống theo các hợp đồng ngoại tệ đáo hạn. Theo ước tính của SSI, trong tháng 7, tháng 8, NHNN đã bơm trở lại hệ thống ngân hàng gần 130.000 tỷ đồng.
Theo đó, lãi suất liên ngân hàng cũng đồng loạt giảm mạnh ở các kỳ hạn. Phiên giao dịch cuối tháng 8, lãi suất các kỳ hạn dưới 1 tháng trên thị trường liên ngân hàng đã xuống dưới 1%: trong đó lãi suất qua đêm chỉ 0,63%/năm, lãi suất kỳ hạn 1 tuần là 0,81%, lãi suất kỳ hạn 2 tuần là 0,98%/năm.