Theo một báo cáo mới của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), tăng trưởng tiền lương toàn cầu năm 2017 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008, thấp hơn nhiều so với các mức tăng trưởng tiền lương trước thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Mức tăng trưởng tiền lương toàn cầu thực tế đã điều chỉnh theo lạm phát sụt giảm từ 2,4% năm 2016 xuống còn 1,8% năm 2017.
Báo cáo chỉ ra rằng tăng trưởng tiền lương thực tế của các quốc gia phát triển trong nhóm G20 đã giảm từ 0,9% năm 2016 xuống còn 0,4% năm 2017. Ngược lại, ở các quốc gia đang phát triển và mới nổi thuộc G20, tăng trưởng tiền lương thực tế dao động trong khoảng 4,9% năm 2016 và 4,3% năm 2017.
"Điều khó hiểu là ở các nền kinh tế có thu nhập cao, chúng ta thấy khi tăng trưởng GDP khôi phục và mức thất nghiệp giảm, tăng trưởng tiền lương lại chậm lại. Và có những dấu hiệu sớm cho thấy tình trạng tăng trưởng tiền lương chậm vẫn sẽ tiếp diễn trong năm 2018," Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder cho biết.
Mức lương chững lại như vậy là một trở ngại đối với tăng trưởng kinh tế và tăng mức sống. Cùng với các đối tác xã hội, các quốc gia cần tìm hiểu các cách thức để đạt được tăng trưởng tiền lương bền vững về mặt xã hội và kinh tế.
Trong vòng 20 năm qua, tiền lương thực tế trung bình đã tăng gần gấp ba lần ở các quốc gia mới nổi và đang phát triển thuộc G20, trong khi tốc độ tăng trưởng tiền lương chỉ đạt 9% ở các quốc gia G20 phát triển. Tuy nhiên, ở nhiều nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình, bất bình đẳng về tiền lương vẫn duy trì ở mức cao và tiền lương thường không đủ để trang trải nhu cầu của người lao động và gia đình họ.
Báo cáo cũng cho thấy phụ nữ tiếp tục bị trả lương thấp hơn nam giới khoảng 20% trên toàn cầu.
Ở các quốc gia có thu nhập cao, chênh lệch tiền lương theo giới lớn hơn trong nhóm người lao động được trả lương cao nhất. Trong khi đó, ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, chênh lệch tiền lương theo giới lại lớn hơn ở nhóm lao động được trả lương thấp hơn.
Đáng lưu ý, ở nhiều quốc gia, phụ nữ có trình độ học vấn cao hơn nam giới vẫn hưởng mức lương thấp hơn, kể cả khi họ làm cùng ngành nghề.
Tiền lương của cả phụ nữ và nam giới cũng có xu hướng thấp hơn ở các doanh nghiệp và ngành nghề có đông lao động nữ. Để giảm chênh lệch tiền lương theo giới, cần phải chú trọng hơn tới việc đảm bảo trả lương bình đẳng cho phụ nữ và nam giới và giải quyết tình trạng đánh giá thấp công việc của phụ nữ.
Kết quả trên được công bố trên cơ sở dữ liệu thu thập được từ 136 quốc gia.