Sáng nay (26/12), Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng năm 2022, định hướng nhiệm vụ năm 2023.
Ngân hàng Nhà nước cho biết đến ngày 21/12/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,78 triệu tỷ đồng, tăng 12,87% so với cuối năm 2021, tăng 13,96% so với cùng kỳ năm 2021.
Như vậy, tăng trưởng tín dụng đến 21/12 vẫn còn cách khá xa so với "room" cho cả năm.
Trước đó, NHNN đã nới hạn mức tín dụng cho hệ thống ngân hàng thêm 1,5%-2%, bổ sung vào chỉ tiêu định hướng đề ra từ đầu năm 14% để tăng trưởng tín dụng cả năm 2022 của hệ thống có thể đạt khoảng 15,5-16%.
Nguyên tắc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng theo hướng, các TCTD có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn. Bên cạnh việc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng, NHNN cũng yêu cầu các TCTD chủ động cân đối phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, quyết định mở room tín dụng thêm 1,5-2% không phải chỉ do các doanh nghiệp kêu cần vốn mà do nhiều vấn đề như tỷ giá, lạm phát đã ổn định hơn cho phép ngân hàng được nới thêm.
Năm 2023, NHNN cho biết sẽ tiếp tục điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế; tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng. Con số hạn mức tăng trưởng cụ thể cho năm tới chưa được công bố.
Cũng tại cuộc họp, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết năm 2023, chính sách tiền tệ sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Mặt bằng lạm phát, lãi suất cao và sự dịch chuyển dòng vốn vẫn sẽ tiếp tục duy trì trên toàn cầu.
Lạm phát lõi Việt Nam đang có những dấu hiệu đáng quan ngại, dẫn đến áp lực tạo lạm phát vòng 2. NHNN nhận định, không thể chủ quan với rủi ro lạm phát trong năm tới.
Đặc biệt nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu dự kiến năm 2022 đạt gần 730 tỷ USD, tương đương tới 190% GDP. Do đó, áp lực lạm phát nhập khẩu và tỷ giá là rất lớn trong năm 2023.
Theo đó, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 sẽ được NHNN xem xét rất cẩn trọng, nhưng không có nghĩa cứng nhắc.
“NHNN luôn có thông điệp rõ ràng với thị trường, luôn hỗ trợ cung ứng vốn đẩy đủ, kịp thời cho nền kinh tế nhưng không chủ quan với lạm phát và luôn lấy kiểm soát lạm phát là mục tiêu quan trọng hàng đầu trong điều hành tín dụng”, ông Quang cho biết.
Ngoài ra, nhìn vào cấu trúc kinh tế Việt Nam, rất nhiều tổ chức quốc tế đã cảnh báo tổng dư nợ trên GDP đã lên rất cao, cao nhất trong các nước có thu nhập trung bình thấp. “Với tốc độ GDP tăng khoảng 6-7% hàng năm mà chúng ta duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng trên 12% sẽ gây áp lực rất lớn tới an toàn hệ thống tài chính”, ông Quang nhấn mạnh. Hiện năng lực tài chính của nhiều ngân hàng thương mại vẫn chưa đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn quốc tế.
Về điều hành lãi suất, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ nhận định, lãi suất trên thế giới vẫn tiếp tục tăng, Việt Nam rất khó đi ngược xu hướng chung. Do đó, ngành ngân hàng sẽ cố gắng duy trì ổn định mặt bằng lãi suất thị trường, tiết giảm chi phí để có nguồn lực hỗ trợ khách hàng.
Về tỷ giá, theo ông Quang, sức ép đã giảm đi, nhưng không có nghĩa năm 2023 có thể chủ quan. Nếu lạm phát Mỹ không được kiểm soát như dự báo thì đồng USD có thể những biến động rất lớn. NHNN sẽ có các biện pháp điều hành để tiếp tục duy trì ổn định thị trường ngoại tệ, có thể quay lại mua ngoại tệ để bổ sung dự trữ ngoại hối.