Cụ thể, sau quý I tăng chậm, tín dụng sáng quý II đã có dấu hiệu tăng dần và tiếp tục khởi sắc trong quý III. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng tháng 1 tăng 0,01%; tháng 2 tăng 0,2%; tháng 3 tăng 1,3%; tháng 4 tăng 1,42%; tháng 5 tăng 1,96%; tháng 6 tăng 3,63%; tháng 7 tăng 4,03%; tháng 8 tăng 4,75%. Đến 30/9/2020, tín dụng tăng 6,09% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,4%).
Về tăng trưởng tín dụng theo ngành kinh tế, dư nợ ngành thương mại dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn 63%, có mức tăng trưởng tín dụng cao nhất khoảng 6,32%; dư nợ ngành công nghiệp xây dựng ước tăng 5,89%, chiếm tỷ trọng 28,75%; tín dụng đối với ngành nông, lâm nghiệp thủy sản chiếm 8,66%, ước tăng 5,09%.
Trong đó, tín dụng đã hỗ trợ cho một số ngành là động lực cho tăng trưởng kinh tế cụ thể: tín dụng ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 13,31%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,36%; ngành xây dựng tăng 9,01%, ngành bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 8,08%.
Về tín dụng đối với lĩnh vực ưu tiên: tín dụng vẫn tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, đặc biệt là một số lĩnh vực hiện đang tận dụng được lợi thế trong bối cảnh mới như tín dụng xuất khẩu tăng khoảng 7%, tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn tăng 5%, tín dụng đối với DNNVV tăng khoảng 5,5% .
Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng kết quả tín dụng 9 tháng đầu năm 2020 đã góp phần hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm của cả nước đạt 2,12%, cũng như các ngành là động lực cho tăng trưởng như ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 3,7%, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,6%, ngành xây dựng tăng 5,02%, bán buôn và bán lẻ tăng 4,98%.
Với tình hình, NHNN kỳ vọng tín dụng những tháng cuối năm sẽ tiếp tục có mức tăng khá, dự kiến cả năm 2020 có khả năng đạt 8%-10%, góp phần cung ứng vốn cho nền kinh tế, khôi phục sản xuất kinh doanh.