Những năm gần đây, đặc biệt liên tiếp 3 năm gần nhất, quý I luôn có tăng trưởng tín dụng thấp và cực thấp.
Năm 2018, sau nhiều năm tăng trưởng tín dụng ở trên mức 16% (tăng trưởng tín dụng các năm từ 2015 đến 2017 là 17,29%; 18,71%; 18,17%), thì việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng thấp đã bắt đầu ngay từ đầu quý I với 2,23%. Nền kinh tế từ 2018 tiếp đà tăng trưởng GDP tích cực và tiếp tục kiểm soát tăng trưởng tín dụng phù hợp với khởi điểm quý đầu 2019 ở mức 1,9%.
Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng theo quý và cả năm 2020, ghi nhận sự khó khăn rõ rệt của doanh nghiệp và nền kinh tế khi hấp thụ vốn bởi đại dịch COVID-19 bùng phát từ đầu năm. Theo đó, quý I/2020 đã xác lập kỉ lục tăng trưởng tín dụng thấp với 0,6%. Tăng trưởng tín dụng của cả năm 2020 xấp xỉ 12% là một cột mốc phản ánh mức độ hồi phục rõ của nền kinh tế qua 2 làn sóng COVID-19 đầy thử thách. Và năm nay, Việt Nam bước vào quý I/2021 với COVID-19 cũ chưa qua, nguy cơ bùng phát COVID-19 mới lại tới.
Dù vậy, tính trên chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống mà NHNN dự kiến cho năm 2021 là 12%, và việc giao chỉ tiêu theo quý tạm thời "cào bằng" từ 3-4%/ quý cho một số TCTD, thì quý I/2021 đang được nhiều nhà băng ghi nhận/ dự báo kết quả hấp thụ vốn tích cực hơn.
Ông Nguyễn Đình Tùng, TGĐ OCB cho biết dự kiến trong quý I/2021, OCB có thể đạt tăng trưởng tín dụng từ 3-4%. OCB là một trong những ngân hàng đã được NHNN điều chỉnh nới room tín dụng trong năm 2020 vừa qua và tăng trưởng dư nợ tích cực dự kiến của quý này, theo ông Tùng đến từ nhiều yếu tố. Trong đó, có yếu tố từ các kế hoạch OCB thúc đẩy vốn hỗ trợ doanh nghiệp SME, phân hóa khách hàng theo từng phân khúc như định hướng để thiết kế sản phẩm, dịch vụ; đồng thời có sự nới lỏng các tiêu chuẩn tín dụng ở mức phù hợp.
Trước đó, nhiều TCTD trả lời khảo sát kết quả điều tra xu hướng tín dụng được NHNN công bố tháng 12/2020, đã cho biết dự kiến 6 tháng đầu năm và cả năm 2021, "nới lỏng" tiêu chuẩn tín dụng đối với nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa; nhiều lĩnh vực ưu tiên và giảm "thắt chặt" tiêu chuẩn tín dụng đối với các nhóm khách hàng khác cũng là kế hoạch của họ.
"Dự kiến trong 6 tháng đầu năm 2021 và cả năm 2021, các TCTD sẽ "nới lỏng nhẹ" tiêu chuẩn tín dụng đối với các nhóm khách hàng. Cơ sở để thực hiện việc "nới lỏng" tiêu chuẩn tín dụng trong 6 tháng đầu năm 2021 là triển vọng kinh tế vĩ mô khả quan, phù hợp chính sách và định hướng của Chính phủ, NHNN để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế", kết quả điều tra từ các TCTD của NHNN công bố.
Tăng trưởng tín dụng đang được chờ đợi góp đòn bẩy đưa kinh tế phục hồi. (Ảnh: Doanh nghiệp dệt may tại Bình Dương)
Theo CTCK SSI, khi kinh tế phục hồi bắt đầu từ việc điều chế vắc xin ngừa COVID-19 thành công, các lĩnh vực thương mại quốc tế, sản xuất và tiêu dùng có thể khôi phục và giúp hoạt động cho vay tăng trở lại. Trong đó, cho vay bán lẻ sẽ về mức tương đương trước COVID-19. Tương tự là các khoản cho vay tiêu dùng. Cùng với đó, việc thắt chặt phát hành trái phiếu sẽ đưa các doanh nghiệp quay trở lại với nhu cầu tín dụng.
Tại thời điểm hiện tại, COVID-19 đang bùng phát song nhiều TCTD tiếp tục lạc quan về tăng trưởng tín dụng quý I/2021, "ít nhất" là sẽ khởi sắc hơn sự khởi đầu thấp điểm của quý I năm trước. "Một phần do người dân và cả Chính phủ đều đã "quen" với COVID-19 và đặt niềm tin vào quyết tâm dập dịch quyết liệt của Chính phủ. Bên cạnh đó Việt Nam đã phê duyệt vắc xin và Thủ tướng cũng đã chỉ đạo nghiên cứu mua vắc xin trong quý I/2021. Mặt khác tưởng không liên quan nhưng rất quan trọng, Việt Nam vừa mở ra một nhiệm kỳ Lãnh đạo mới lạc quan và đầy khát vọng từ thành công của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Điều này sẽ khiến các doanh nghiệp tin tưởng và mạnh dạn làm ăn hơn, có động lực thúc đẩy phục hồi kinh doanh hơn nữa. Cần nhớ là ở Đại hội vừa qua, có tới 6 nhân sự đang ở trong ngành hoặc xuất thân ngành ngân hàng đã trúng cử danh sách 200 Ủy viên TW Đảng, cho thấy vai trò, tiếng nói quan trọng, là huyết mạch của ngành trong nền kinh tế", một lãnh đạo ngân hàng cho biết.
Theo ông Nguyễn Lê Ngọc Hoàn, chuyên gia tài chính, thông thường, quý I đầu mỗi năm là thời gian thấp điểm của tăng trưởng tín dụng do nhu cầu vay vốn không cao, khả năng hấp thụ vốn của nhiều thành phần trong nền kinh tế cũng không lớn so với 3 quý còn lại của năm. "Người Việt có tâm lý là không muốn vay mượn đầu năm. Lại có những doanh nghiệp muốn trả nợ vào cuối năm cho "hết nợ". Tuy nhiên những năm gần đây đã có nhiều thay đổi. Bên cạnh tâm lý chung thì có những doanh nghiệp xuất nhập khẩu có thể sẽ vẫn vay mượn để hoạt động đón đơn hàng vì thị trường quốc tế không nghỉ Tết âm. Khó khăn của COVID-19 đến điểm cũng khiến vay tiêu dùng tại chính các ngân hàng cần được bung mạnh hơn. Ngoài ra, cũng cần lưu ý tăng trưởng tín dụng còn được tính từ trái phiếu, theo ghi nhận, đã tăng hút vốn mạnh ngay từ đầu năm. Cùng với đó, Nghị định 153 có thể vẫn sẽ giúp trái phiếu doanh nghiệp đắt hàng", ông Hoàn lí giải về dự báo lạc quan của tăng trưởng tín dụng quý I năm nay.
Có một thực tế khác là COVID-19 đã đảo lộn một số kế hoạch và vẫn có thể đảo lộn mọi kế hoạch, bao gồm cả nhu cầu vốn trong dự định của doanh nghiệp và người dân. Những tác động của rủi ro tín dụng vốn đã tăng trong 2020, kì vọng sẽ giảm từ 2021 cũng đang thường trực có thể tăng trở lại. Cùng với rủi ro của các khoản vay ngắn hạn tăng lên, đà thúc đẩy vốn của các TCTD nếu bị COVID-19 bùng phát, sẽ bớt lơi lỏng hơn. Vẫn còn tới tận 2 tháng của quý I/2021 để nói về kết quả chia "room" tăng trưởng tín dụng tạm.