Phải chấp nhận tín dụng tăng chậm
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tính đến 29/5, tín dụng tăng 1,96% do nhu cầu vay của người dân thấp. Mức tăng này đã cải thiện so với nửa đầu tháng 5 nhưng thấp hơn khá nhiều so với con số 7,33% của nửa đầu năm 2019. Năm nay, mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là khoảng 14%, tương đương 2019.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Tín dụng, NHNN, cho rằng việc tín dụng tăng trưởng chậm là điều phải chấp nhận trong bối cảnh tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay. Dù Việt Nam kiểm soát dịch bệnh rất tốt, các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn. “Đây là tình hình chung, cũng lo nhưng phải chịu”, ông Hùng nói. Vụ trưởng Tín dụng nhận định không thể thúc đẩy tăng trưởng tín dụng vì dễ phát sinh nợ xấu, do đó, không thể hạ chuẩn cho vay.
"Không thể bắt một bệnh nhân đang ốm phải khỏe ngay được", lãnh đạo Vụ Tín dụng nói. Việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam tốt hơn một chút so với thế giới nhưng trong tình hình chung hiện nay không thể tăng trưởng nhanh.
Vụ trưởng Vụ tín dụng Nguyễn Quốc Hùng. Ảnh: VNF.
Chuyên gia cho rằng như vậy là hợp lý vì tiền đó là của TCTD, không phải tiền của ngân sách hoặc tiền cho không. Giải ngân tín dụng cần kiểm soát để tránh tiềm ẩn rủi ro lâu dài, ảnh hưởng đến kinh tế trong tương lai.Chuyên gia Cấn Văn Lực nhận định trong bối cảnh dịch bệnh và nhu cầu về vốn còn yếu thì những con số trong các tháng đầu năm là chấp nhận được. Nhiều doanh nghiệp vẫn còn mong muốn tiếp cận dễ hơn nhanh hơn, gọn hơn, ta phải xem xét nguyên nhân có thể đến từ hai phía. Ví dụ, tại các TCTD quy trình thủ tục tương đối phức tạp, đặc biệt phải yêu cầu có tài sản đảm bảo hoặc chứng minh được ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19.
Ngân hàng chia sẻ khoảng 30.000-34.000 tỷ đồng, tương đương mức giảm lợi nhuận khoảng 25% trong dịch nCov. Ảnh: L.Hải. |
|
Theo ông, ngân hàng sẵn sàng cho vay, nguồn vốn không thiếu. Tuy nhiên, vấn đề là thiếu nhu cầu tín dụng thực, thiếu những doanh nghiệp thực sự có phương án tài chính tốt để tiếp cận vốn vay. Ước tính, các phần hỗ trợ bao gồm cả hoãn nợ, giảm lãi suất, chi phí hệ thống ngân hàng sẽ phải chia sẻ khoảng 30.000-34.000 tỷ đồng, mức giảm lợi nhuận khoảng 25%.
Về phía các doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng thiện chí hợp tác là vô cùng quan trọng. Ví dụ như ngân hàng yêu cầu phải chứng minh cái này cái kia doanh nghiệp phải hợp tác. Chẳng hạn, chuyện chứng minh tác động của dịch khá rõ và hoàn toàn trong khả năng của doanh nghiệp chứng minh được, nếu thiếu thiện chí thì cực kỳ khó.
Câu chuyện quan hệ tín dụng luôn có một số vướng mắc nhưng về cơ bản vẫn ở trạng thái tương đối ổn định. Từ tháng 5, ông Lực cho rằng nhu cầu tín dụng thị trường có thể tăng lên. Hết quý II, tín dụng có thể tăng khoảng 3,5-4% và cả năm có thể tăng 9-10%. Chuyên gia cho rằng đây là mức tương đối phù hợp trong bối cảnh nhu cầu vốn của nền kinh tế còn yếu hiện nay.
Có thể xem xét nới chỉ tiêu tín dụng với một số ngân hàng
Về việc nới chỉ tiêu tín dụng, ông Hùng cho biết NHNN có thể xem xét với một số đơn vị. Những nhà băng có nhu cầu cho vay thực sự và đảm bảo được dòng vốn giải ngân hiệu quả sẽ được điều chỉnh như số ngân hàng quy mô nhỏ hoặc các bên cam kết cho vay vào dự án từ năm trước cần tiếp tục giải ngân trong năm nay.
“Bên nào tăng được tín dụng sẽ cho tăng, nếu đảm bảo an toàn và phòng ngừa rủi ro”, ông đề cập. Nhìn chung, tăng trưởng tín dụng chủ yếu vẫn phụ thuộc vào 4 ngân hàng lớn là Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV, nhưng hiện nay cho vay ở tình trạng chung là khó tăng trưởng.
Vị này cũng bày tỏ ngành ngân hàng hiện nay đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ, tuy nhiên sự hồi phục của nền kinh tế nói chung và nhu cầu tín dụng cần phải có thời gian và phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh. Các doanh nghiệp Việt Nam trước mắt cần chú trọng thị trường nội địa. Theo ông, không thể dự báo tăng trưởng tín dụng năm nay cho đến khi có vaccin Covid-19. Tình hình dịch bệnh tại Mỹ và các nước khác vẫn diễn biến rất phức tạp và "tất cả dự báo chỉ là dự báo trong bối cảnh hiện nay".