Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng đợt hai năm 2021 cho các tổ chức tín dụng (TCTD). Nhìn chung, chỉ tiêu mới cao hơn 40-60% so với mức đầu năm và thấp hơn năm 2020. Trong khi đó, nhiều nhà băng đã dùng hết hạn mức trong nửa đầu năm 2020.
Đơn cử, MB được nâng 'room' tín dụng từ 10,5% lên 15% - một trong những nhà băng được cấp cao nhất năm nay. Năm trước, ngân hàng này được nâng từ 11,8% lên 20%. VIB được nâng từ 8,5% lên 14,1% trong năm nay, thấp hơn so với mức 10,5% lên 30% của năm 2020. Một loạt ngân hàng khác như VPBank được nâng room tín dụng từ 8,5% lên 12,1%, Sacombank được nới room tín dụng từ 6,5% lên 10,5%, Eximbank nâng chỉ tiêu tín dụng từ 6,5% lên 10%...
Một số ngân hàng được cấp hạn mức tăng trưởng cao có thể điểm tới như Techcombank nới room tín dụng từ 12% lên 17%, Vietcombank tăng room từ 10% lên 14%...
Sự điều chỉnh với biên độ hẹp hơn năm trước cho thấy sự thận trọng của cơ quan điều hành trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Trong nhiều năm gần đây, NHNN thông thường chỉ có một lần điều chỉnh tín dụng mỗi năm.
Cơ quan điều hành cho biết nhằm góp phần hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế trước tác động bất lợi của đại dịch Covid-19, đồng thời không chủ quan với rủi ro lạm phát. Cùng các giải pháp đồng bộ khác, NHNN điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD đảm bảo nguyên tắc nhất quán để đạt được mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ và thực hiện chủ trương của Chính phủ “vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế”.
Việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được thực hiện trên cơ sở đề nghị của TCTD, đánh giá tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh, ưu tiên đối với TCTD thực hiện chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của NHNN giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn...
Đầu năm, NHNN đã xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng tín dụng cho năm 2021. Ở kịch bản 1, việc tiêm chủng vắc xin đại trà và dịch Covid-19 được khống chế, tín dụng sẽ tăng 12-13%, có thể đạt 14%. Kịch bản 2, dịch kéo dài đến tháng 6, các biện pháp giãn cách xã hội vẫn được thực hiện, thời gian tiêm vắc xin kéo dài, tín dụng có thể tăng từ 10-12%. Kịch bản 3, dịch kéo dài đến hết năm, tăng trưởng khoảng 7 - 8%.
Trong 3 kịch bản, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế từng cho biết NHNN kỳ vọng tăng trưởng tín dụng kịch bản 1 nhưng kịch bản 2 có khả năng xảy ra, kịch bản 3 gần như không mong muốn xảy ra nhưng cần phải đưa ra.
Đồng quan điểm, CTCK Pinetree cũng cho rằng kịch bản 1 sẽ khó xảy ra vì hiện tại dịch bệnh vẫn đang diễn ra và tiêm vaccine chưa đại trà. Trong khi đó, Chứng khoán VNDirect kỳ vọng, tín dụng có thể tăng 13-14% trong năm nay.
Tăng tín dụng kèm giảm lãi suất, siết rủi ro
Trong văn bản điều chỉnh "room' tín dụng, bên cạnh yêu cầu không được tăng trưởng vượt hạn mức, NHNN chỉ đạo nhà băng thực hiện các giải pháp về hoạt động tín dụng nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, đảm bảo an toàn hệ thống và góp phần ổn định thị trường tiền tệ.
TCTD phải chấp hành các quy định của pháp luật về tỷ lệ bảo đảm an toàn, giới hạn cấp tín dụng đối với khách hàng, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro, ngoại hối, quản trị rủi ro và kiểm soát nợ xấu, tăng cường các biện pháp kiểm soát rủi ro tín dụng...
Các ngân hàng cần tập trung tăng trưởng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiền gồm nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Kiểm soát chặt chẽ và hạn chế cấp tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán.... giảm dần tỷ trọng cho vay đối với lĩnh vực bất động sản; tăng cường quản lý rủi ro đối với các dự án BOT, BT giao thông, tín dụng tiêu dùng, kiểm soát chặt cho vay ngoại tệ...
Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, tín dụng ngân hàng tăng khoảng 10-15% là phù hợp. Dù kinh tế phục hồi nhưng vẫn còn rất nhiều rủi ro đang chờ đợi các ngân hàng trong thời gian tới. Tín dụng tuy khởi sắc, song chưa thể tăng trưởng cao trở lại. Bên cạnh đó, nợ xấu tiềm ẩn đang tăng lên rất nhanh, lợi nhuận có nguy cơ giảm.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, cho rằng dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp sau khi bùng phát lần thứ 4 sẽ khiến số lượng các doanh nghiệp gặp khó khăn tăng lên, qua đó ảnh hưởng đến nhu cầu vay cũng như chất lượng tín dụng.
Ông Hiếu cũng nhận định để tăng trưởng tín dụng hiệu quả cần đẩy mạnh kích cầu hơn nữa, bởi hiện nay nhu cầu vốn đã tăng, song vẫn còn nhiều doanh nghiệp ở những lĩnh vực du lịch, khách sạn, hàng không... tạm dừng hoạt động. Vì vậy, các ngân hàng khi cho vay phải kiểm soát được nguồn trả nợ của khách hàng để vẫn đạt được chỉ tiêu về tăng trưởng tín dụng mà chất lượng tài sản, chất lượng tín dụng cũng được đảm bảo.