Đại diện tổ chức cấp chứng nhận hữu cơ Control Union (Hà Lan) cho biết năm 2017, tổng giá trị thị trường hữu cơ toàn cầu đạt 92 tỉ USD với mức tăng trưởng 5%-10%/năm. "Tiêu thụ nông sản hữu cơ đang tăng nhanh hơn diện tích canh tác hữu cơ dẫn đến thiếu hụt nguồn cung, thị trường đang cần các nhà sản xuất hữu cơ mới tham gia. Ngoài ra, thị trường tiêu thụ thực phẩm hữu cơ đang tập trung tại EU và Bắc Mỹ, chiếm 90% toàn cầu nên cần phát triển thêm các thị trường mới như châu Á, Nam Phi" - đại diện Control Union gợi ý.
Nhu cầu nhiều, nguồn cung ít
Đối với thị trường nội địa, cả nước có khoảng 100 doanh nghiệp tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ, trong đó có nhiều tập đoàn. Theo TS Phạm Thị Hoa, Trung tâm Khu vực miền Nam về giáo dục và phát triển bền vững (ĐH Quốc tế - ĐHQG TP HCM), dù có ít bằng chứng về việc nông nghiệp hữu cơ sẽ đem đến sản phẩm giàu hàm lượng dinh dưỡng so với nông sản thường nhưng người tiêu dùng sẽ tiếp tục xu hướng sử dụng nông sản hữu cơ do không muốn dùng sản phẩm biến đổi gien và thực phẩm bị nhiễm thuốc trừ sâu.
Công nhân nhổ cỏ bằng tay tại một trang trại rau củ quả hữu cơ tại huyện Nhà Bè, TP HCM
TS Hoa dẫn khảo sát từ Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen cho thấy người tiêu dùng Việt Nam nằm trong nhóm có nhận thức xã hội lớn nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương với hơn 86% những người tham gia khảo sát cho biết sẵn sàng trả thêm tiền cho sản phẩm và dịch vụ có tác động tích cực tới xã hội và môi trường (so với mức 76% người tiêu dùng trên toàn bộ khu vực). "Theo tính toán của Nielsen, tổng giá trị thị trường hữu cơ tại 2 thành phố lớn là TP HCM và Hà Nội ước đạt 400 tỉ đồng/năm. Các sản phẩm hữu cơ đang là xu hướng và có nhu cầu lớn trên thị trường nội địa nhưng nguồn cung thiếu hụt đang là cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia phân khúc này " - TS Hoa nói.
"Học phí" rất cao
Ông Đinh Xuân Thu, Giám đốc Công ty TNHH Trang trại xanh Thu Thủy (tỉnh Đắk Nông) - một điển hình sản xuất hữu cơ hiệu quả, thừa nhận thị trường thực phẩm hữu cơ có tiềm năng phát triển rất tốt nhưng vô cùng khắc nghiệt, bản thân ông phải trả giá bằng nhiều tỉ đồng. Theo ông Xuân, nếu canh tác hữu cơ vì lợi nhuận, khi xảy ra dịch bệnh sẽ phun xịt thuốc để giữ năng suất dẫn đến phá vỡ quy trình sản xuất hữu cơ.
"Tiêu hữu cơ đỏ của chúng tôi không đủ để bán dù giá 250.000 đồng/kg (tiêu trên thị trường 45.000 đồng/kg). Chúng tôi từng làm hơn 2 ha rau nhà kính hữu cơ nhưng không bán được vì đem ra chợ bị chê giá cao. Sau này, chúng tôi chuyển sang trồng dâu tây và cà chua, cung cấp cho siêu thị Nhật với giá cao, nhờ vậy yên tâm đầu ra. Bài học rút ra là phải xác định thị trường, đầu ra trước khi sản xuất để tránh phải trả giá" - ông Thu đúc kết.
Bà Phạm Phương Thảo, Giám đốc điều hành Công ty CP Đầu tư Organica - đơn vị sở hữu trang trại rau nhiệt đới đầu tiên đạt chứng nhận hữu cơ theo chuẩn của Mỹ và EU tại Long Thành (Đồng Nai) vào năm 2015, nhớ lại thời điểm trên có phong trào dùng máy đo nhanh nitrat. Khách vào cửa hàng là giở máy ra đo xem dư lượng nitrat trên sản phẩm có vượt ngưỡng hay không. Organica cũng mua 5 máy để sử dụng nhưng khi mang máy xuống vườn, đo trên trái đu đủ thì cả trăm lần máy đều hiện cảnh báo mức nitrat nguy hiểm dù cây trồng trên đất canh tác hữu cơ được 3 năm và sắp đánh giá để lấy chứng nhận organic. Đến ngày đánh giá, sau khi kiểm tra nguyên liệu đầu vào, sổ sách giấy tờ, chuyên gia của tổ chức cấp chứng nhận đến ngay cây đu đủ đó để lấy mẫu đem xét nghiệm. Công ty cũng lập tức lấy mẫu gửi đến phòng thí nghiệm của Sắc Ký Hải Đăng để phân tích dư lượng phân bón, kết quả rất tốt. Trang trại Organica sau đó được Control Union cấp chứng nhận hữu cơ và được tái chứng nhận liên tục cho đến bây giờ. "Điều này cho thấy khi mình đã tuân thủ đúng tiêu chuẩn cần phải tin tưởng vào chính mình" - bà Thảo nhấn mạnh.
Cũng theo bà Thảo, việc có chứng nhận hữu cơ tương tự như có bằng tốt nghiệp, quá trình kinh doanh còn rất nhiều vấn đề phát sinh. "Dù có chứng nhận, khách hàng vẫn đặt nghi vấn về nguồn gốc hàng hóa. Ngoài ra, nhiều thời điểm cửa hàng phải hủy hàng vì bán không hết" - bà Thảo nói.