Tăng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62 và nữ lên 60 từ năm 2021 đang là vấn đề nhận được nhiều chú ý từ dư luận xã hội.
Quá trình lấy ý kiến người lao động tại các công đoàn cơ sở cũng cho thấy nhiều lao động trực tiếp không muốn tăng tuổi nghỉ hưu do lo ngại không đủ sức khỏe, bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng băn khoắn rằng việc sử dụng lao động lớn tuổi năng suất lao động sẽ giảm.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Doãn Mậu Diệp, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu sẽ được điều chỉnh theo lộ trình, để tránh gây sốc và ảnh hưởng đến người lao động cũng như doanh nghiệp.
Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh theo lộ trình sẽ ra tạo tâm lý tốt hơn cho người sử dụng lao động: “Lẽ ra người sử dụng lao động sẽ tiếp tục sử dụng người lao động lớn tuổi thêm một năm nữa chẳng hạn, thì nếu theo đề xuất của chúng tôi, họ chỉ phải sử dụng người lao động lớn tuổi thêm ba tháng nữa thôi. Điều này cũng giải toả được khá nhiều tâm tư và những điều không mong muốn của người sử dụng lao động."Chắc chắn tâm lý người lao động sẽ không muốn làm việc quá lâu và đóng bảo hiểm xã hội lâu dài. Người lao động thường muốn nghỉ hưu hoặc tham gia các hoạt động kinh tế khác để có thêm thu nhập. Khi đó, họ đồng thời có hai nguồn thu nhập là tiền lương hưu từ BHXH và số tiền nhận được từ các hoạt động khác của họ. Đây là tâm lý chung của tất cả người lao động thuộc các nước trên thế giới, không chỉ riêng Việt Nam”, ông Diệp lý giải.
Chúng tôi vẫn quan niệm rằng việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu mang lại sự tốt đẹp chung cho cả đất nước, của tất cả các lực lượng tham gia lao động cũng như sử dụng lao động”.
Cũng theo ông Diệp, ở một số nước quy định, người lao động có thể nghỉ hưu từ khi 55, 56, 57 tuổi nhưng đến khi 60 tuổi mới nhận chế độ hưu trí.
Nhưng Bộ luật Lao động này đề xuất quyền được nghỉ hưu sớm hơn 5 tuổi, tức là sớm hơn 5 tuổi đã được nhận chế độ hưu trí. Quyền được nghỉ hưu trước 5 năm được áp dụng nếu người lao động suy giảm khả năng lao động, làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm... Quyền được nghỉ hưu sớm được hiểu theo nghĩa người lao động có thể được nhận lương hưu trước 5 năm so với quy định.
Làm gì khi doanh nghiệp chán lao động "già"?
Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, Bộ LĐ-TB-XH đã báo cáo Chính phủ và sẽ có một loạt chính sách cần phải điều chỉnh đi kèm khi sửa đổi Luật lao động 2012. Thứ nhất, cải thiện môi trường làm việc, giảm thiểu tai nạn lao động về nghề nghiệp, tăng cường sức khỏe cho người lao động và cụ thể chúng ta đã có Luật An toàn vệ sinh lao động và sử dụng tốt nhất Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động về nghề nghiệp đầu tư để cải thiện môi trường làm việc.
Thứ hai, về việc nhiều người lao động trực tiếp khó có thể làm việc đến tuổi 55-60, do chậm chạp, năng suất lao động thấp, doanh nghiệp không muốn sử dụng, trong khi đó người lao động trẻ có thể tạo ra năng suất cao hơn, tiền lương có thể sẽ thấp hơn. Trong đề án cải cách chính sách BHXH, Bộ đã đề xuất hướng xử lý, như cần cải cách lại chính sách bảo hiểm việc làm, bảo hiểm thất nghiệp.
Đánh giá về chính sách bảo hiểm thất nghiệp hiện nay, ông Diệp cho rằng, mới chỉ nặng về giải quyết hậu quả. Tức là, khi người lao động mất việc sẽ trả trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ đào tạo. Chính sách bảo hiểm thất nghiệp nhẹ về các giải pháp chủ động như: Hỗ trợ doanh nghiệp duy trì việc làm cho người lao động, tránh sa thải, giảm thiểu thất nghiệp.
"Luật có nói tuổi nghỉ hưu của lao động vào năm 2017 là 55 tuổi, năm 2018 là 60 tuổi. Đây là tuổi nghỉ hưu bình quân nói chung của tất cả các lao động trong đó có cả các đối tượng là công chức, viên chức. Còn theo số liệu chúng tôi cập nhật được từ các tài liệu hầu như các đối tượng công nhân không nghỉ hưu đúng tuổi.
Tôi cùng đoàn đi khảo sát về tuổi nghỉ hưu khi chúng tôi đi đến công ty Minh Phú ở Hậu Giang thì lãnh đạo công ty cho biết công ty của họ có khoảng 15 nghìn công nhân, nhưng mà ba năm nay chỉ có khoảng 5-6 nghìn lao động. Còn lại những công nhân ở độ tuổi từ 35-40 không đủ sức khỏe để lao động nữa và họ phải chuyển sang những công việc khác.
Đây là những con số mà khi chúng ta xây dựng lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phải nghe ngóng đến ý kiến của các đối tượng này" - ông Lê Đình Quảng- Phó Ban Quan hệ Lao động, TLĐLĐVN.
Trong khi tại nhiều quốc gia trên thế giới, khi người lao động có năng suất suy giảm, dễ bị sa thải, DN không muốn sử dụng, thì quỹ bảo hiểm thất nghiệp sẽ hỗ trợ một phần tiền lương. Chẳng hạn, DN trả 70% , quỹ trả 30%. Như vậy sẽ giảm được chi phí cho DN. Hoặc quỹ bảo hiểm thất nghiệp sẽ đóng giúp bảo hiểm xã hội, tất cả khoảng hơn 35%. Với việc hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp như vậy sẽ giảm chi phí cho DN, năng suất có thể thấp hơn nhưng không phải trả đủ tiền lương mà có quỹ hỗ trợ.
Ông Diệp cho rằng, vấn đề quan trọng nhất đối với DN là chi phí, nếu giải quyết bài toán về chi phí thì doanh nghiệp sẽ tiếp tục sử dụng lao động, dù năng suất lao động thấp, sản phẩm làm ra ít hơn so người lao động trẻ khác, nhưng họ vẫn tiếp tục đóng góp làm tăng sản phẩm quốc gia, GDP, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước.
“Đánh giá về quỹ bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm việc làm, chúng tôi cho rằng quỹ của người có nguy cơ thấp sẽ chia sẻ với người có nguy cơ cao trong việc sa thải. DN mạnh chia sẻ với DN yếu. Chính quỹ này với sự hỗ trợ như thế sẽ tạo sự gắn kết trong cộng đồng DN Việt Nam, cộng đồng lao động Việt Nam, tạo nên sức mạnh khả năng cạnh tranh của cả nước.
Dự kiến, Luật Việc làm, trong đó có chính sách bảo hiểm thất nghiệp sẽ sửa đổi vào năm 2021, khi đề xuất đã tính đến nhóm lao động đặc thù và cần có chính sách hỗ trợ làm sao để DN vẫn tiếp tục sử dụng họ”, ông Doãn Mậu Diệp nói./.