Cần có những quy định phù hợp để bảo đảm cho các doanh nghiệp tư nhân trong nước có cơ hội tham gia các dự án đối tác công tư quan trọng như đường bộ, đường sắt cao tốc Bắc Nam, sân bay Long Thành …, Chủ tịch VCCI kiến nghị.
Vẫn còn những điểm nghẽn
Sáng 26/6, phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2019, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, doanh nghiệp lạc quan về triển vọng kinh doanh trong thời gian tới.
Dù vậy, môi trường kinh doanh trong nước vẫn còn có những điểm nghẽn, cần có thêm nhiều nỗ lực của Chính phủ, các bộ ngành và chính quyền các địa phương, Chủ tịch VCCI nói.
Vị đại diện cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sau đó đã nêu một số kiến nghị về giải pháp với Chính phủ, các bộ, ngành.
Kiến nghị đầu tiên là cần đẩy mạnh việc cắt giảm gánh nặng thủ tục "hậu đăng ký" cho doanh nghiệp. Ông Lộc nêu hàng loạt con số cho thấy sự cần thiết của kiến nghị này. Đó là kết quả đầu ra PCI năm 2018 cho thấy có 16% doanh nghiệp cho biết phải chờ hơn 1 tháng mới có đủ tất cả các giấy tờ cần thiết khác ngoài giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp để chính thức đi vào hoạt động, chỉ tiêu này có dấu hiệu gia tăng trong 5 năm trở lại đây.
Nhiều doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi xin cấp các loại giấy phép khác ngoài giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp để chính thức đi vào hoạt động: 34% doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin các giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh ngành nghề kinh doanh có điều kiện, 30% doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy, 29% doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin cấp giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật hoặc các loại giấy chứng nhận khác.
Tiếp theo, Chủ tịch VCCI kiến nghị, cải cách thủ tục hành chính cần tập trung vào một số lĩnh vực trọng tâm. Phản ánh của doanh nghiệp trong nước qua điều tra của VCCI cho thấy một số lĩnh vực thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà, cụ thể là đất đai (30%), thuế (28%) và bảo hiểm xã hội (25%). Với các doanh nghiệp FDI, đó thủ tục xuất nhập khẩu (28%), bảo hiểm xã hội (26%), thuế (25%) và đăng ký đầu tư (24%), phòng cháy (22%).
Đây là những lĩnh vực cần có sự quan tâm hơn của các ngành, các cấp trong thời gian tới. Đặc biệt cần sửa đổi ngay các quy định pháp lý chồng chéo, bất hợp lý liên quan tới đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, môi trường … trong khi chưa sửa được luật cần có ngay các hướng dẫn nhất quán, áp dụng thống nhất cho các địa phương và doanh nghiệp không để mỗi địa phương, cơ quan giải thích theo một kiểu, ban hành luật sớm về đối tác công tư để khai thông nguồn vốn này, có những quy định phù hợp để bảo đảm cho các doanh nghiệp tư nhân trong nước có cơ hội tham gia các dự án đối tác công tư quan trọng như đường bộ, đường sắt cao tốc Bắc Nam, sân bay Long Thành …Chủ tịch VCCI phát biểu.
Tăng cường minh bạch thông tin cho doanh nghiệp
Theo Chủ tịch VCCI thì việc tiếp cận thông tin của doanh nghiệp vẫn chưa có cải thiện đáng kể theo thời gian. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết gặp khó tiếp cận một số loại thông tin tại cấp địa phương là khá cao, ví dụ: kế hoạch mua sắm công (60%), bản đồ, quy hoạch sử dụng đất (58%), quy hoạch ngành, lĩnh vực (54%), kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng mới (54%).
Chỉ 55% doanh nghiệp cho biết có thể tiếp cận thông tin về các gói thầu mua sắm công ở cấp tỉnh. Do vậy, vẫn có tới 69% doanh nghiệp cho biết cần có mối quan hệ với chính quyền để có được các tài liệu của tỉnh.
Tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong tiếp cận vốn là kiến nghị tiếp theo được VCCI nêu tại diễn đàn.
Ông Lộc cho biết, điều tra PCI cho thấy có 37% doanh nghiệp trong nước hiện đang gặp khó khăn trong tiếp cận vốn, phần lớn rơi vào nhóm có quy mô vốn siêu nhỏ hoặc vừa. Những doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận vốn chủ yếu là doanh nghiệp mới đi vào hoạt động. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do doanh nghiệp không có tài sản thế chấp (86%), điều kiện cho vay khó khăn (63%), thủ tục vay phiền hà (44%), hoặc bị ngân hàng áp dụng điều kiện tín dụng bất lợi cho doanh nghiệp (40%).
Chủ tịch VCCI cũng kiến nghị sửa đổi Bộ luật Lao động theo hướng mở rộng khung giờ làm thêm lên 400 giờ, không sử dụng hệ thống trả công luỹ tiến với thời gian làm thêm của người lao động, tăng lương tối thiểu ở mức hợp lý bảo đảm phù hợp với năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu ngày một cao của các doanh nghiệp.