Ngày 17-1, tại TP HCM, Hội đồng Xúc tiến Xuất khẩu Rau quả Nhật Bản (J-FEC) phối hợp với JFOODO (The Japan Food Product Overseas Promotion Center) và Nền tảng hỗ trợ xuất khẩu nông lâm thủy sản – thực phẩm tại Việt Nam tổ chức sự kiện quảng bá trái cây Nhật Bản và giới thiệu tem nhãn "Trái cây Nhật Bản" để người tiêu dùng nhận diện.
Phát biểu tại sự kiện, ông Soiki Furudate - Phó tổng lãnh sự Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP HCM, cho biết Nhật Bản có 3 loại trái cây tươi xuất khẩu vào thị trường Việt Nam là: táo, lê và quýt. Tuy nhiên, hiện lê Nhật Bản hết mùa nên chỉ có táo và quýt – là những sản phẩm được đánh giá cao trên thế giới về chất lượng.
"Khách Việt Nam sang du lịch Nhật Bản rất nhiều, hi vọng người Việt Nam sẽ thưởng thức nhiều loại trái cây của chúng tôi tại Nhật" - ông Soiki Furudate nói.
Ông Yuya Arashima, Giám đốc điều hành Star Kitchen - kinh doanh trái cây Nhật Bản tại Trung tâm thương mại Takashimaya tại TP HCM, nhận xét dù trái cây Nhật Bản có giá cao hơn so với các loại trái cây khác trên thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, với sự kiểm soát nghiêm ngặt về chất lượng, trái cây Nhật Bản có hương vị và vẻ ngoài hoàn hảo đang được nhiều người tiêu dùng lựa chọn làm quà tặng.
"Nhu cầu trái cây cao cấp của người Việt rất lớn. Chúng tôi mong muốn được mở cửa 2 loại quả của Nhật Bản là nho và dây tây chính thức vào thị trường Việt Nam" – ông Yuya Arashima bày tỏ.
Theo ghi nhận, táo Nhật Bản trên thị trường có 3 loại chính là: Fuji khoảng 300.000 đồng/kg, táo vàng Kinsei khoảng 600.000 đồng/kg và táo đỏ Sekaiichi khoảng 800.000 đồng/kg.
Trong đó, táo đỏ Sekaiichi có kích thước khổng lồ, từ 350gram – 800gram nên mức giá phổ biến từ 500.000 đồng/quả, cá biệt có những quả kích cỡ trên 1 kg nên có giá đến tiền triệu.
Đối với quýt Unshu Nhật Bản, giá bán phổ biến ở mức từ 500.000 – 600.000 đồng/kg, mỗi kg có từ 10-12 quả, vỏ mỏng, dễ bóc và không hạt.
Trao đổi với báo chí bên lề sự kiện, ông Nguyễn Xuân Hải, Tổng giám đốc hệ thống cửa hàng Klever Fruit, cho biết trái cây Nhật Bản sản lượng không nhiều nên không gặp áp lực giảm giá.
Tương tự, ông Lê Viết Sĩ, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Tú Phượng Tony, cũng nhận xét trái cây Nhật Bản được người tiêu dùng ưu ái bởi niềm tin "chất lượng Nhật Bản". Điều này cho thấy người tiêu dùng Việt Nam quan tâm đến sức khỏe hơn nên giá cả không là vấn đề.
Tại sự kiện, các diễn giả cho biết Việt Nam được xác định là thị trường chiến lược, ưu tiên số 1 của trái cây Nhật Bản.