Trong bối cảnh ngân sách TP HCM có hạn, việc huy động mọi nguồn lực triển khai các dự án trọng điểm, theo các chuyên gia, là cần thiết.
Ủng hộ hình thức BOT
Ủng hộ đề xuất áp dụng lại hình thức BOT để nâng cấp, mở rộng, xây dựng các tuyến đường trọng điểm, TS Dương Như Hùng (Trường ĐH Bách khoa TP HCM) nhận xét nhu cầu đi lại của người dân ngày càng tăng trong khi hạ tầng có hạn nên tình trạng ùn tắc, tai nạn vẫn xảy ra theo hướng đáng lo ngại.
TP HCM cần nhiều nguồn lực đầu tư cho giao thông, từ đó phát triển kinh tế - xã hội. (Ảnh nút giao An Phú, TP Thủ Đức) .Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Quy hoạch hệ thống hạ tầng giao thông của thành phố có từ lâu nhưng việc triển khai lại quá chậm. Trong bối cảnh ngân sách có hạn, hình thức BOT khi được áp dụng ở các dự án là giải pháp thu hút nguồn vốn tư nhân, giúp thành phố thêm cơ hội phát triển. Hình thức này trước đây được TP HCM áp dụng ở nhiều dự án và mang lại hiệu quả.
TS Dương Như Hùng lưu ý hình thức BOT giống như con dao - nếu sử dụng tốt thì "cắt gọt" tốt nhưng sử dụng sai sẽ gây tổn thương chính tay mình. Theo ông, bản chất của dự án BOT là không ảnh hưởng quá lớn đến người sử dụng, để người sử dụng lựa chọn. Ví dụ tuyến đường thực hiện hình thức BOT không thể là độc đạo, buộc người dân phải đóng phí để đi mà không có lựa chọn khác.
Vì thế, để các dự án triển khai theo hình thức BOT phát huy hiệu quả, trong quá trình thực hiện cần tuân thủ các nguyên tắc công khai, minh bạch, phải có cơ quan phản biện công tâm.
Khai thác giá trị đất
Nói về hình thức BOT được Sở Giao thông Vận tải đề xuất triển khai 6 dự án cửa ngõ, kết nối vùng, TS Phạm Viết Thuận - Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP HCM - cũng cho rằng chỉ cần quá trình thực hiện BOT công khai, minh bạch mọi phương án tài chính là có thể thu hút các nhà đầu tư.
Riêng hợp đồng BT theo hình thức ngân sách trả chậm cho nhà đầu tư nên hạn chế thực hiện vì rủi ro cao do lãi suất ngân hàng, giá vật tư liên tục "nhảy múa". Điều này khiến ngân sách thành phố phải nặng gánh, chưa kể quá trình chi trả nếu dừng thì lãi suất vẫn khó kiểm soát.
PGS-TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giao thông vận tải - Trường Đại học Việt Đức, chia sẻ quan điểm hình thức BOT, BT là giải pháp giúp huy động vốn tư nhân trong bối cảnh ngân sách thành phố hạn hẹp. Tuy nhiên, với hình thức BT, nên cân nhắc vì hầu hết các dự án kêu gọi đầu tư cần nguồn kinh phí rất lớn, lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng, trong khi các nhà đầu tư chủ yếu vay tín dụng thực hiện dự án, phải trả lãi suất theo thị trường, đứng trước rủi ro lãi suất biến động. Do đó, thành phố cần tính toán kỹ phương án tài chính.
Theo chuyên gia Vũ Anh Tuấn, bài toán lâu dài để tạo nguồn lực triển khai các dự án lớn là thành phố nên xem xét khai thác giá trị đất tăng lên sau khi đầu tư hạ tầng. Theo đó, những người hưởng lợi phải có trách nhiệm chi trả thông qua xây dựng cơ chế đặc thù về thuế đất, thu phí ùn tắc…
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 20-2
Cân nhắc thêm phương án
Bên cạnh 2 hình thức BT, BOT, theo TS Phạm Viết Thuận, TP HCM nên xem xét thêm hình thức EPC (thiết kế - thi công - vận hành; tổng thầu sẽ thực hiện toàn bộ các công việc - từ thiết kế kỹ thuật, cung ứng vật tư, thiết bị đến thi công xây dựng công trình).
Mô hình tổng thầu đã áp dụng cho tuyến metro số 1. Với mô hình này, thời gian thi công sẽ được rút ngắn rất nhiều, chi phí ổn định, hạn chế đội giá do giá nguyên vật liệu tăng hay lãi suất ngân hàng dao động. "Chưa kể, việc thanh toán vốn cho tổng thầu chủ yếu theo giai đoạn thực hiện hoặc theo hạng mục công trình hoàn thành giúp ngân sách có thể chủ động chi trả theo từng giai đoạn" - TS Thuận phân tích.
Xã hội hóa đầu tư là chủ trương tốt
Liên quan đến kế hoạch chỉnh trang và phát triển đô thị trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo, trong đó có 3 dự án tại quận 7 gồm dự án ao Song Tân, dự án rạch Bần Đôn, dự án sông Ông Lớn mà Báo Người Lao Động đã nhắc đến, nhiều chuyên gia đã có ý kiến về những dự án này.
Sông Ông Lớn, nơi thực hiện một trong 3 dự án được kỳ vọng góp phần thay đổi bộ mặt đô thị .Ảnh: QUỐC ANH
TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP HCM, cho rằng trong bối cảnh hiện nay, để thực hiện các dự án chỉnh trang đô thị, di dời nhà ven kênh rạch từ nguồn vốn ngân sách thì rất lâu. Vì vậy, quận 7 đề xuất triển khai 3 đề án thí điểm để mời gọi, thu hút đầu tư xã hội hóa là giải pháp tích cực. Vấn đề quan trọng là các bước triển khai như thế nào và sẽ xã hội hóa đầu tư theo mô hình nào.
Ba dự án này sẽ phải giải quyết rất nhiều vấn đề về môi trường, đô thị. Đơn vị đề xuất và cơ quan liên quan phải làm rõ bài toán kinh phí, cơ chế quản lý, thủ tục đầu tư... Bên cạnh việc chỉnh trang đô thị thì cần quan tâm đến hệ thống giao thông nội bộ khu vực, giao thông kết nối khu vực lân cận. Một điều phải lưu ý nữa đó là xem nguyện vọng của người dân ở 3 khu vực dự án để tạo sự đồng thuận, việc này giúp ích cho giải phóng mặt bằng.
Trong khi đó, TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP HCM, cho rằng xã hội hóa đầu tư là chủ trương tốt. Để việc này hiệu quả hơn, cần khai thác quỹ ngoài đất hành lang kênh rạch, từ đó có nguồn bổ sung cho việc cải tạo chính dòng kênh.
Ngoài ra, theo TS Võ Kim Cương, quận 7 cần hạn chế thu hẹp mặt cắt ngang thoát nước của hệ thống kênh rạch vì ảnh hưởng đến chống ngập. "Quận cần tính toán kỹ vì đất thấp nên phải bảo đảm mặt cắt thoát nước, trữ nước khi mưa. Nếu thu hẹp, nước không chảy kịp sẽ gây ngập, phải tính toán thật tốt thì mới thu hẹp. Đây cũng là việc tối kỵ" - ông Võ Kim Cương nói.