Không phải mọi quốc gia khu vực Đông Nam Á đều thành công trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Điển hình như Indonesia và Philippines là hai nước đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ dịch bệnh gây ra. Theo đó, chuyên gia kinh tế khu vực châu Á, bà Manisha đã chỉ ra 4 lý do chính để Việt Nam và Campuchia có thể đạt được những kết quả thành công như vậy.
Dân số trẻ
Nhiều chuyên gia cho rằng, cơ cấu dân số trẻ ở các quốc gia kể trên có thể là một yếu tố giữ tỷ lệ ca nhiễm thấp. Các ý kiến khác lại chỉ ra, thành công trong việc ứng phó với dịch bệnh Covid-19 của các nước này không phụ thuộc lớn vào nguồn lực sẵn có, mà nhờ vào việc xét nghiệm hiệu quả, điển hình như chiến lược 'xét nghiệm, xét nghiệm, xét nghiệm' của Hàn Quốc. Song, do không đủ nguồn lực để huy động cơ sở hạ tầng xét nghiệm trên diện rộng, Việt Nam và Campuchia đã áp dụng chiến thuật 'cô lập ổ dịch'.
Nguồn: Southeast Asia Covid-19 Tracker, Center for Strategic & International Studies
Cô lập ổ dịch
Các chuyên gia nhận định, đây là chiến thuật xét nghiệm có mục tiêu. Cụ thể, các cơ quan y tế tập trung vào những cá nhân có nguy cơ cao, các tòa nhà hoặc khu vực lân cận, nơi các trường hợp lây nhiễm đã được ghi nhận. Đồng thời, các quốc gia cũng thực hiện truy vết tiếp xúc trên diện rộng. Việt Nam có hệ thống 3 cấp độ để xác định mức độ tiếp xúc với người nhiễm bệnh và mức độ cần thiết thực hiện xét nghiệm cho các đối tượng có tiếp xúc với những người nhiễm Covid-19.
Bên cạnh đó, các quốc gia đã liên tục ban hành hướng dẫn giúp người dân cập nhật được thông tin thường xuyên về diễn biến sức khỏe của cộng đồng. Các nỗ lực truy vết tiếp xúc còn được hỗ trợ bởi ứng dụng di động cho phép báo cáo tình trạng sức khỏe, các trường hợp nghi nhiễm và một ứng dụng khác thông báo cho người dùng về nguy cơ phơi nhiễm.
Việc giám sát cấp địa phương và sự tham gia của cộng đồng đã giúp xác định sớm các ổ dịch có thể bùng phát ở Việt Nam, cũng như thực hiện cách tiếp cận dựa trên nguy cơ phơi nhiễm với bất kể ai dù có biểu hiện nhiễm bệnh hay không. Điều này rất quan trọng trong việc ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 do các nhà khoa học đã khẳng định rằng, ngay cả đối với những người không có triệu chứng nhiễm bệnh vẫn có nguy cơ lây nhiễm sang người khác.
Sau khi làn sóng dịch Covid-19 bùng phát, Việt Nam đã thiết lập cơ sở hạ tầng cho hoạt động cách ly người nhiễm bệnh và khách du lịch quốc tế, giảm thiểu phơi nhiễm trong hộ gia đình. Theo thống kê, từ tháng 1 đến tháng 5, Việt Nam có khoảng 200.000 người đã được cách ly phòng bệnh tại các cơ sở tập trung. Đối với Campuchia, mạng lưới khoảng 2.900 nhân viên chăm sóc sức khỏe đã được đào tạo trong tháng 1 và tháng 2 để hỗ trợ phát hiện và truy vết tiếp xúc trong cộng đồng.
Kinh nghiệm ứng phó với các cuộc đại dịch trong quá khứ
Từng trải qua dịch SARS năm 2003 và các đợt cúm gia cầm từ năm 2004 đến năm 2010, ngay từ ban đầu, Chính phủ Việt Nam và Campuchia đã đề cao mối đe dọa của Covid-19. Y tế được ưu tiên hơn các mối quan tâm kinh tế. Cụ thể, Việt Nam và Campuchia đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp kiểm soát biên giới và đưa ra quy định về việc đeo khẩu trang, giãn cách xã hội.
Kinh nghiệm trong quá khứ về việc đối phó dịch bệnh có thể giúp người dân dễ thích nghi với các biện pháp phòng dịch và hiểu được các hành động quyết liệt để ngăn chặn đại dịch là rất cần thiết.
Theo cuộc khảo sát hồi tháng 3, phần lớn người dân Việt Nam đồng ý rằng phản ứng của Chính phủ là "phù hợp", cho thấy mức độ ủng hộ cao của người dân đối với các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Giám sát chặt chẽ
Tại Campuchia, Chính phủ cũng đã nhanh chóng đưa ra các biện pháp hạn chế đi lại để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh khi có những tính trạng khẩn cấp. Bà Manisha kết luận, xét nghiệm có mục tiêu và sự tham gia của cộng đồng là rất quan trọng trong việc ứng phó với Covid-19 trong bối cảnh các nguồn lực hạn chế. Cho đến nay, Việt Nam và Campuchia là những ví dụ tuyệt vời trong việc ngăn chặn thành công làn sóng Covid-19 khi nguồn lực hạn chế.