Hôm 21/7, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông tại Hà Nội bất ngờ xuất hiện trên trang chủ tờ tạp chí kinh tế hàng đầu Châu Á Nikkei Asian Review do chậm tiến độ hơn hai năm ròng rã.
Tờ Nikkei Asian Review cho hay tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông kéo dài 13 km tại Hà Nội là tuyến tàu điện trên cao đầu tiên của Việt Nam. Đầu tiên, tuyến đường sắt dự kiến đi vào vận hành vào tháng 9/2017. Nhưng hơn hai năm đã trôi qua, cơ sở vật chất đã gần hoàn thiện nhưng ngày vận hành dự án vẫn đang bị trì hoãn những khúc mắc nằm ở phía Tổng thầu Trung Quốc.
Sau bao lần trì hoãn, chậm tiến độ hơn 2 năm, cho đến nay đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn nằm phủ bụi |
Ga Cát Linh, ga lớn nhất trong số 12 ga dọc tuyến đường sắt 13km này, đã được hoàn thành từ cách đây một năm. Nhưng không có bóng dáng tàu chạy, nên nhà ga trở thành nơi trú ngụ cho những người vô gia cư vào ban đêm. Khu vực bên dưới đường ray trở thành bãi đỗ xe cho vô số ô tô và xe máy. Những hành lang, cầu thang trong ga phủ đầy bụi bặm.
Trong số tổng vốn đầu tư khoảng 900 triệu USD vào dự án, một phần lớn được tài trợ từ vốn hỗ trợ phát triển của chính phủ Trung Quốc. Đơn vị Tổng thầu EPC được chỉ định là Công ty HH tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc, công ty con của Tập đoàn đường sắt Trung Quốc.
Hồi đầu tháng 6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kêu gọi các cơ quan ban ngành liên quan vào cuộc làm việc với Tổng thầu Trung Quốc, nỗ lực đưa vào vận hành tuyến đường sắt Cát Linh Hà Đông trong năm 2020. Trước đó, tuyến đường này đã trễ hẹn vận hành tới 8 lần với vô vàn lý do khác nhau.
Sau nhiều lần lỡ hẹn, cho tới nay, dự án vẫn “án binh bất động” do Tổng thầu EPC là Công ty HH tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc nhiều lần thất hẹn, không thực hiện đúng cam kết.
Lần gần đây nhất, phía Tổng thầu Trung Quốc đã đổ lỗi cho đại dịch Covid-19 là nguyên nhân gây ra sự chậm trễ thời hạn vận hành tuyến đường sắt nằm giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội.
Theo Công ty HH tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc, việc Việt Nam áp dụng các biện pháp hạn chế kiểm dịch nghiêm ngặt với người nước ngoài nhập cảnh hồi đầu năm đã khiến các kỹ sư Pháp chịu trách nhiệm kiểm soát khâu cuối cùng của an toàn đường sắt không thể đặt chân vào trong nước.
Theo quy định, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông trước khi được đưa vào vận hành chính thức phải được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp chứng nhận kiểm định an toàn các đoàn tàu. Đồng thời, dự án còn phải được đánh giá và cấp giấy chứng nhận an toàn hệ thống do liên danh Apave-Certifier-Tric (Pháp) - tổ chức chứng nhận độc lập có đủ năng lực thực hiện, được chủ đầu tư dự án lựa chọn qua đấu thầu. Đơn vị này chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá, chứng nhận của mình.
Ngoài ra, việc hơn 30% lao động thuộc Tập đoàn đường sắt Trung Quốc buộc phải nghỉ việc trong bối cảnh đại dịch cũng gây ra sự trì hoãn nhất định.
Sự chậm trễ tiến độ của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông cũng kéo theo nhiều kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt đô thị khác tại Hà Nội và TP.HCM đổ vỡ. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp “ăn theo” tuyến đường sắt này cũng đang “ngồi trên đống lửa” khi ngày vận hành đến nay chưa rõ.
Đơn cử, Aeon Mall vừa khai trương trung tâm thương mại thứ năm tại Việt Nam ở gần ga Hà Đông hồi tháng 12/2019, trùng với thời điểm dự kiến tuyến đường sắt Cát Linh Hà Đông đi vào vận hành sau nhiều lần Tổng thầu hứa hẹn. Nhưng việc tuyến đường tiếp tục trì hoãn thời gian vận hành giờ đây đang trở thành mối quan ngại lớn.
(Theo Nikkei Asian Review / Dân Việt)