Tập đoàn Bảo Việt (mã chứng khoán BVH) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2018 với kết quả khá bất ngờ.
Doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt 8.205 tỷ đồng, tăng 25,2% so với cùng kỳ, trong đó có 447 tỷ đồng dự phòng phí chưa được hưởng của bảo hiểm gốc và 643 tỷ đồng phí nhượng tái bảo hiểm. Tổng doanh thu phí bảo hiểm thuần đạt 7.181 tỷ đồng, tăng 23,2% so với cùng kỳ.
Trong quý 3, tổng thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 7.225 tỷ đồng trong khi tổng chi trực tiếp cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm hết 7.628 tỷ đồng, nên dẫn đến Bảo Việt ghi nhận lỗ gộp từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm hơn 403 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 72 tỷ đồng).
Lợi nhuận từ hoạt động tài chính trong kỳ đạt 1.390 tỷ đồng, tăng 390 tỷ đồng so với cùng kỳ. Trừ các loại chi phí, thuế phát sinh, quý 3 Bảo Việt ghi nhận lãi sau thuế 102 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về chủ sở hữu đạt trên 90 tỷ đồng.
Theo giải trình từ phía công ty, tính đến hết tháng 9 hoạt động kinh doanh của Bảo Việt có nhiều khả quan, công ty vẫn giữ vững thị phần số 1 trong 2 mảng bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ tại Việt Nam.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2018 doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 20.900 tỷ đồng, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm 2017. Bảo Việt ghi nhận lỗ hơn 2.416 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Lợi nhuận từ hoạt động tài chính trong kỳ đạt hơn 6.043 tỷ đồng, tăng 88,7% so với cùng kỳ. Lợi nhuận từ các công ty liên doanh liên kết mang lại 101 tỷ đồng. Trừ các chi phí phát sinh Bảo Việt đạt 1.128 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. lợi nhuận sau thuế đạt 942 tỷ đồng, giảm sút 27,2% so với lợi nhuận đạt được 9 tháng đầu năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế thuộc về chủ sở hữu tập đoàn đạt 904 tỷ đồng
Tính đến cuối quý 3 tổng giá trị các khoản đầu tư tài chính Bảo Việt đạt 3.125 tỷ đồng, tăng 477 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó có 1.730 tỷ đồng đầu tư vào chứng khoán kinh doanh, có 1.034 tỷ đồng đầu tư vào cổ phiếu niêm yết, 238 tỷ đồng ở chứng chỉ quỹ và 123 tỷ đồng vào trái phiếu. Bảo Việt đã trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh hơn 372 tỷ đồng.
Các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn lên đến hơn 77.974 tỷ đồng, trong đó tiền gửi ngắn hạn 36.181 tỷ đồng, trái phiếu dài hạn 33.568 tỷ đồng, còn lại là trái phiếu ngắn hạn, tiền gửi dài hạn, tạm ứng từ giá trị hoàn lại…
Theo giải trình từ phía công ty, thị trường chứng khoán Việt Nam giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm và diễn biến chưa ổn định trong quý 3 dẫn đến chi phí trích lập dự phòng đầu tư cổ phiếu, chứng chỉ quỹ cao.
Bên cạnh đó lãi suất trái phiếu Chính phủ dài hạn giảm từ cuối năm 2017 và tiếp tục duy trì ở mức thấp trong năm 2018 cùng với việc trích lập dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm theo thông tư 50/2017/TT-BTC tăng mạnh. Ngoài ra trong 9 tháng đầu năm ghi nhận nhiều sự kiện bất thường về thiên tại nên chi phí bồi thường của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có xu hướng tăng mạnh.